Xung đột Ukraine: Tổng thống Mỹ ra 'tối hậu thư' cho Nga, dọa tung 'đòn nặng', Moscow đáp trả
Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 'rất nặng' đối với Nga, nếu Moscow không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 50 ngày tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thế nặng lên Nga. (Nguồn: Getty)
Theo CBS News, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh, Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế quan thứ cấp, “rất nghiêm khắc” đối với các đối tác thương mại còn lại của Moscow nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 50 ngày tới.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Nếu trong 50 ngày không có thỏa thuận, mức thuế thứ cấp sẽ là 100%, không gì có thể thay đổi”.
Ông Trump khẳng định, Washington sẵn sàng hành động quyết liệt nếu tiến trình chấm dứt xung đột không có tiến triển rõ rệt trong thời hạn trên.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick sau đó làm rõ rằng, “thuế quan thứ cấp” mà Tổng thống Donald Trump đề cập là “trừng phạt kinh tế, chứ không phải hình phạt thông thường”.
Trước đây, ông Trump đã từng đe dọa “thuế quan thứ cấp” có nghĩa là “các biện pháp trừng phạt thứ cấp”, ám chỉ các biện pháp trừng phạt đối với những người mua năng lượng của Nga.
Quan chức Mỹ nói thêm: “Có thể áp dụng thuế quan hoặc trừng phạt. Cả hai đều là công cụ trong bộ công cụ của Tổng thống”.
Phản ứng trước tối hậu thư trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Konstantin Kosachev khẳng định, điều này sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moscow nhưng có thể có nhiều thay đổi cả trên mặt trận lẫn trong tâm trạng của những người nắm quyền ở Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Alexei Zhuravlev chỉ ra rằng, các mức thuế quan thứ cấp chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến chính Mỹ chứ không phải Nga, vì kim ngạch song phương chỉ ở mức 8 tỷ USD.Trong khi đó Mỹ mua uranium, titan và palladium từ Nga và việc tăng giá các mặt hàng này (do thuế quan mới) sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ chứ không phải của Nga.
Theo ông Zhuravlev, quyết định tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine của ông Trump cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các tài liệu chính thức Mỹ gọi Nga là “kẻ thù”.
Về phần Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Andrei Klimov, ông cho rằng những lời đe dọa của Tổng thống Trump không mang ý nghĩa “thảm họa” nào đối với Nga, mà chỉ nhằm mục đích nâng cao tỷ lệ ủng hộ của ông.
Nghị sĩ Nga đánh giá, Tổng thống Trump một lần nữa muốn cho cử tri Mỹ thấy rằng, mình vẫn bình tĩnh và tiếp tục tích cực hành động, lưu ý thêm, tất cả những động thái áp thuế đều tác động đến cả hai phía, vì vậy Washington có thể tự cô lập, từ đó dẫn đến tình trạng khó lòng cứu vãn nền kinh tế của chính mình.