Xung kích trên mặt trận kinh tế
Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...
Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả
Trong chuyến thăm các mô hình sản xuất mới trên địa bàn do thanh niên làm chủ, chị Phạm Thị Ngọc Huế, Bí thư Thị đoàn Hương Trà chia sẻ: Đoàn cơ sở các ban, ngành chức năng của thị xã thường xuyên tiến hành phối hợp với các Đoàn phường, xã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giúp họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Nhờ đó, thanh niên địa phương đã dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Tại các phường, xã đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, trong đó thanh niên tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tạo hướng làm ăn mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm Huế, chuyên ngành chăn nuôi thú y, Nguyễn Duy Lanh, ở TDP Trung Thôn, phường Hương Xuân (TX. Hương Trà) luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Với tính cần cù, chịu khó tìm tòi, nắm bắt được phong trào nuôi chuột cảnh (Bọ Ú) để làm thú cưng khá thịnh và thành công ở các tỉnh miền Nam, năm 2022, anh đã mạnh dạn thử nghiệm với mô hình này. Các đối tượng nuôi anh đưa vào thử nghiệm như: Chuột lang Việt, chuột Aby xù; chuột Ame (của Mỹ), chuột Cali và thỏ lai thương phẩm...
Duy Lanh tâm sự: Thoạt đầu có nhiều mô hình để lựa chọn, nhưng qua nghiên cứu, phân tích từ kinh nghiệm trong quá trình học tập, từ tham quan tìm hiểu, em đã chọn mô hình nuôi chuột cảnh này. Ở miền Nam, mô hình này rất thành công, trong khi đó ở tại Huế chưa có và nhu cầu thị trường đang tăng cao, nên em rất tin tưởng vào hiệu quả của loại vật nuôi này.
Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, đàn chuột và thỏ phát triển tốt. Vừa làm anh vừa học hỏi kinh nghiệm, nên càng làm càng thấy ổn định, vật nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh, khách hàng lại ưa chuộng. Đến thời điểm này, anh gầy nuôi hơn 100 chuột mẹ, bình quân mỗi năm sinh sản trên 2.000 con chuột giống. Theo anh Lanh, hiện thị trường tiêu thụ khá ổn định, riêng xuất chuột cảnh, trừ các khoản chi phí đã cho lãi ròng mỗi năm trên 50 triệu đồng. “Định hướng sắp tới em sẽ mở rộng quy mô gấp đôi, đầu tư thêm giống thỏ sinh sản để nâng cao thu nhập” - Duy Lanh khẳng định.
Bí thư Thị đoàn Hương Trà, Phạm Thị Ngọc Huế thông tin thêm, hiện trên địa bàn thị xã đã xuất hiện các mô hình trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng theo chứng chỉ ở xã Bình Thành, Hương Bình, Bình Tiến; mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở Hương Bình; mở xưởng cơ khí, mộc mỹ nghệ quy mô lớn ở Hương Văn, Hương Xuân, Hương Vân… đem lại thu nhập cao cho nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương.
Đồng hành cùng thanh niên
Để đồng hành với đoàn viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, Ban Thường vụ Thị đoàn Hương Trà triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phù hợp với nhu cầu thực tế, như: hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ liên kết tạo đầu ra ổn định cho các loại sản phẩm hàng hóa trong các mô hình khởi nghiệp của thanh niên…
Có thể kể đến như việc tổ chức tập huấn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thành lập các mô hình trang trại trẻ, tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên. Tổ chức Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tính đến nay, tổ chức Đoàn thanh niên trên địa bàn thị xã đang quản lý 11 tổ tiết kiệm vay vốn, với tổng dư nợ hơn 22 tỷ đồng…
Theo chị Phạm Thị Ngọc Huế, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thị xã sẽ thường xuyên cập nhật về ý tưởng khởi nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng, quy mô đầu tư dự kiến, nhu cầu cần hỗ trợ của thanh niên ở địa phương. Qua đó, thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo... nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong tư vấn, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, giúp các mô hình kinh tế của thanh niên có sức sống và tồn tại được trên thị trường.