Xung quanh khả năng bộ trưởng quốc phòng Malaysia sẽ tham vấn TQ về AUKUS

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết có thể sẽ thăm Trung Quốc để tìm hiểu quan điểm của Bắc Kinh về hiệp ước AUKUS cùng hành động đáp trả của nước này.

Trang Benarnews đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 22-9 cho biết rằng có thể trong chuyến thăm sắp tới đến Trung Quốc, ông sẽ tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc về hiệp ước an ninh ba bên AUKUS và xác định hành động đáp trả mà Bắc Kinh sẽ đưa ra.

Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Anh, Úc công bố thiết lập AUKUS, hiệp ước đã dấy lên các phản ứng khác nhau của các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo đó, Malaysia và Indonesia lo ngại hiệp ước này có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, trong khi Singapore và Philippines lại bày tỏ sự hoan nghênh.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: @HISHAMMUDDINH2O / TWITTER

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: @HISHAMMUDDINH2O / TWITTER

Phát biểu trước Quốc hội Malaysia hôm 22-9, ông Hussein cho biết: “Chúng tôi cần có được quan điểm của giới lãnh đạo, đặc biệt là quốc phòng của Trung Quốc, về những gì họ nghĩ về AUKUS và hành động của họ có thể là gì”.

"Tôi dự định sẽ sớm thực hiện một chuyến thăm và làm việc ngắn hạn tới Trung Quốc" – ông Hussein nói thêm.

Ông Hussein đưa ra phát ngôn trên sau khi được hỏi về việc liệu Malaysia có tham gia vào hiệp ước mới này hay không, vì Malaysia là thành viên của "Thỏa thuận phòng thủ năm cường quốc" (FPDA - gồm Malaysia, Singapore, Anh, Úc và New Zealand).

Singapore và Philippines – hai nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với AUKUS – cho biết hiệp ước này sẽ giúp khôi phục sự “mất cân bằng” và mang lại sự ổn định trong khu vực, theo Benarnews.

Theo FPDA, các thành viên như Malaysia và Singapore sẽ tham khảo ý kiến của nhau “ngay lập tức” nếu có mối đe dọa về một cuộc tấn công vũ trang đối với bất kỳ quốc gia nào trong số họ. Những cuộc tham vấn này sẽ giúp các bên quyết định hành động nào cần thực hiện cùng nhau hoặc riêng biệt.

Ông Hishammuddin cho biết ông sẽ phải có “bước đi thận trọng” để cố gắng cân bằng giữa “hai cường quốc” (Mỹ và Trung Quốc), nói rằng đó “không phải là điều dễ dàng” để làm được.

“Sức mạnh của chúng ta không phải là khi chúng ta đơn độc, sức mạnh của chúng ta là khi 10 quốc gia thành viên ASEAN đoàn kết để đảm bảo vị thế và an ninh của khu vực được bảo vệ” - ông Hishammuddin hôm 22-9 nói.

Thông điệp của Malaysia đằng sau việc tham vấn Trung Quốc?

Benarnews dẫn lời chuyên gia phân tích các vấn đề Đông Nam Á Richard Heydarian nhận địnhthỏa thuận AUKUS đã bộc lộ sự chia rẽ trong ASEAN.

Trong khí đó, ông Oh Ei Sun - thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore – nhận định Malaysia muốn duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc, “bất chấp việc Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng mà Malaysia coi là lãnh hải của mình” ở Biển Đông.

“Malaysia sẽ ngày càng phải suy nghĩ lại về vị trí của mình trong giao lộ giữa AUKUS và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, đặc biệt là ở Biển Đông” – ông Oh trao đổi với BenarNews.

Một tàu ngầm thuộc biên chế hải quân Hoàng gia Úc neo tại căn cứ hải quân HMAS Stirling thuộc bang Western, Úc. Ảnh: GETTY/BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Một tàu ngầm thuộc biên chế hải quân Hoàng gia Úc neo tại căn cứ hải quân HMAS Stirling thuộc bang Western, Úc. Ảnh: GETTY/BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Trước đó, không quân Malaysia hôm 31-5 phát hiện 16 máy bay Trung Quốc, đa số là thuộc hai dòng máy bay vận tải quân sự là Tây An Y-20 và Ilyushin Il-76, bay theo đội hình chiến thuật và áp sát bờ biển Borneo, bang Sarawak (phía đông Malaysia) trong phạm vi 60 hải lý. Không quân Malaysia đã điều tiêm kích Hawk 208 theo dõi máy bay Trung Quốc.

Năm 2020, Kuala Lumpur cho biết các tàu hải cảnh và hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Malaysia 89 lần trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019. Các tàu Trung Quốc này thường ở lại khu vực bất chấp hải quân Malaysia yêu cầu họ rời đi, chính phủ Malaysia cho biết.

Ông Oh nhận định: “Malaysia không có tư cách gì để cảm thấy vui hay không hài lòng về thỏa thuận AUKUS, vì nước này không liên kết chặt chẽ với liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, theo ông Azmi Hassan - chuyên gia về chiến lược địa chính trị, Malaysia có thể gửi đi một thông điệp rằng họ sẽ không còn không liên kết nữa nếu bộ trưởng quốc phòng nước này tham vấn Trung Quốc về hiệp ước ba bên”.

“Về việc Malaysia có thể sẽ tham khảo ý kiến của Trung Quốc… điều này tạo ra một bầu không khí không thoải mái vì Trung Quốc không phải là thành viên của hiệp ước AUKUS, và thay vào đó là mục tiêu tiềm năng của hiệp ước này” – ông Azmi cho hay.

“Nhận thức khi đó sẽ là việc Malaysia đứng về phía Trung Quốc. Điều này rất không phù hợp” – ông Azmi nói thêm.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/xung-quanh-kha-nang-bo-truong-quoc-phong-malaysia-se-tham-van-tq-ve-aukus-1017342.html