Xương máu anh đã hòa vào đất mẹ

Tháng bảy là tháng tri ân các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những gia đình có công với nước. Tháng bảy, còn là ngày giỗ chung của rất nhiều liệt sĩ.

Với gia đình bác tôi, ngày 27/7 hằng năm được lấy làm ngày giỗ liệt sĩ Nguyễn Viết Công.

Bố tôi kể rằng, những ngày đầu, khi nhận được giấy báo tử, bác gái không tin đó là sự thật. Người con trai duy nhất của bác có khuôn mặt thanh tú, nụ cười tươi rói, đặc biệt anh có chiếc răng khểnh giống y hệt bố mình, chiếc răng duyên một thời hút hồn trái tim bà.

Bác gái tôi thương yêu anh lắm! Anh không chỉ là người con trai duy nhất của hai bác, mà anh còn là người sống tình cảm, vừa học giỏi, vừa ngoan hiền, hiếu thuận với cha mẹ.

Đất nước có chiến tranh, vào bộ đội là chấp nhận hy sinh, nhưng ở cái thời ấy, khi mà cả một thế hệ đều xác định cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, thì làm sao hai bác tôi có thể ngăn cản được trái tim nhiệt huyết của anh, khi anh quyết định xếp bút nghiên tình nguyện vào quân ngũ.

Bác gái tôi đã nuốt nước mắt vào trong, mong anh rắn rỏi mà lên đường. Để rồi, những ngày sau đó, là những ngày dài mong ngóng, hồi hộp chờ đợi tin tức của anh.

Ảnh minh họa: Tiêu Dao.

Ảnh minh họa: Tiêu Dao.

Bác gái chưa tin anh ra đi, vì tờ giấy báo tử không ghi rõ cụ thể ngày hy sinh, nơi chôn cất, mà chỉ ghi anh mất tích trong một đợt hành quân ở chiến trường Đông Nam Bộ.

Nhưng chiến tranh là thế đó. Chiến tranh không thể biết trước được điều gì! Sau này tìm hiểu, gia đình mới được biết, đơn vị anh bị pháo địch bắn phá ác liệt vào giữa đội hình hành quân. Khi về điểm tập kết nhiều ngày, nhiều tháng, đơn vị mới xác định anh đã hy sinh.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính lần lượt trở về đoàn tụ với gia đình. Bác tôi ngồi bên hiên cửa ngóng anh về. Một năm, rồi hai năm sau, bác mới chấp nhận được sự thật!

Đến ngày giỗ liệt sĩ Nguyễn Viết Công, khi con cháu, họ hàng đến dự, bác gái tôi lại bộc bạch một nỗi niềm: "Muốn tìm và đưa di cốt anh về quê nhà!".

Với nghĩa tình đồng đội, một số cựu chiến binh đã cùng gia đình trở lại chiến trường xưa tìm anh. Nhưng do thời gian đã lâu nên không xác định được cụ thể các điểm, mốc để nhận diện nơi anh hy sinh. Gia đình và các cựu chiến binh đành đến nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp hương, với mong muốn hương linh liệt sĩ được ấm lòng cùng đồng đội nơi chín suối.

Ảnh minh họa: CAND.

Ảnh minh họa: CAND.

Lần thứ hai, gia đình quyết tâm trở lại tìm kiếm một lần nữa, khi có thông tin từ một đồng đội thân thiết, cùng liệt sĩ Công trong đợt hành quân hôm đó.

Không quản ngại đường sá xa xôi, người cựu chiến binh ấy lại đồng hành cùng gia đình vào miền Đông Nam Bộ. Sau hai ngày tìm kiếm quanh khu vực không có kết quả, chỉ đào được một chiếc ăng-gô đã hoen rỉ, không ghi tên chủ nhân, các anh chị đem chiếc ăng-gô này về, coi như đó là kỷ vật của anh.

Ngày giỗ anh vào dịp 27/7 sau đó, bác gái tôi không còn nhắc tới việc tìm hài cốt con trai nữa. Anh em con cháu trong gia đình cũng không ai nhắc đến việc này.

Năm bác gái tôi 97 tuổi, lúc này, sức khỏe đã yếu, tâm trí lẫn lộn, có lúc nhớ, lúc quên. Nhưng ngày giỗ anh Công năm ấy, đột nhiên bác tôi minh mẫn lạ thường.

Bác kể: "Đêm qua, bà nằm mơ gặp anh Công. Anh khỏe mạnh, rắn giỏi lắm. Nụ cười vẫn tươi rói, lộ chiếc răng khểnh duyên dáng như ngày nào".

Rồi bác gọi con cháu đến căn dặn: "Từ nay, không phải tìm anh Công nữa, xương cốt của anh đã hòa vào lòng đất mẹ, cũng như hàng triệu người con đất Việt đã chiến đấu, hy sinh, để những giọt máu đào ngấm sâu vào lòng đất mẹ, cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do".

Có thể không tìm được hài cốt của các anh, nhưng linh hồn các anh vẫn sống mãi, hình bóng các anh vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi con dân Đất Việt...

Bác gái tôi đã ra đi ngay sau ngày 27/7 năm ấy một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Chắc rằng ở miền mây trắng, bác rất vui khi gặp lại người con trai cả của mình.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xuong-mau-anh-da-hoa-vao-dat-m-254289.htm