Xương rồng nấu với cá đồng
Cứ 'tháng Bảy nước nhảy lên bờ' là ruộng đồng quê tôi no nước trở lại sau những ngày hè oi ả, nắng đến nẻ đất. Cá tôm bắt đầu sinh sôi nảy nở. Trên những đồi cát sau làng, mấy đám xương rồng cũng đâm chồi nảy lộc, vươn lên những tàu xanh non mơn mởn. Đó là thời điểm người dân quê tôi hái xương rồng về nấu với cá đồng, cho ra một món ăn dân dã mà ngọt ngon đến lạ.
Làng tôi Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, nay sáp nhập vào Gio Hải, nằm ở miền Đông huyện Gio Linh, một miền quê đồng bằng với phần lớn diện tích đất cát. Người quê tôi hay tự hào vì sở hữu đồi cát vàng được ví như “tiểu sa mạc”.
Tôi nhớ hồi đó ở quê hầu như nhà nào cũng thiếu cái ăn vì đông con cháu. Bà nội tôi mỗi ngày lo nấu cơm cho cả nhà là đã hết thời gian. Bà rất giỏi nội trợ, đặc biệt là “sáng tác” các món ăn cây nhà lá vườn. Như lá cây đậu đen, bữa thì luộc vắt chấm với nước ruốc, bữa bóp với mè, ăn rất ngon mà cũng dễ đầy bụng. Hay sắn, ngoài cắt lát phơi khô, ngâm chua thì bà tôi còn bào ra nấu cháo, nấu canh, ăn nhớt nhớt như kiểu chè đậu ván, mà ngon. Rồi thân cây đu đủ, mưa bão cây nào gãy đổ tiếc lắm nhưng “bù lại” có cái để chế biến thức ăn. Thân cây được loại bỏ phần xơ, còn phần thịt mang xắt sợi rồi ngâm chua, xào với chút mỡ heo ăn rất tốn cơm. Hay củ chuối, bà tôi cũng chế biến được vài món...
Thời đó, cả nhà mười mấy miệng ăn nấu một nồi gang to đùng nhưng cũng chỉ vài ba lon gạo, còn lại là độn sắn hoặc khoai ăn cho dằn bụng. Cho nên, tôi nhắc nhớ cái chuyện “ăn cho dễ đầy bụng” là vậy đó.
Trong tất cả những món ăn nội tôi thường nấu hồi đó, tôi nhớ nhất và bây giờ thi thoảng vẫn nấu ăn, đó là canh xương rồng. Hồi đó hay bây giờ quê tôi vẫn thế, cứ sau “tháng Bảy nước nhảy lên bờ” là ruộng đồng lại đầy tôm cá. Đặc biệt ở đồi cát sau làng, mấy đám cây xương rồng no nước sau những ngày hè chịu đựng kiểu thời tiết “tiểu sa mạc”, lại đâm chồi nảy lộc, vươn lên vô kể tàu xanh non mơn mởn. Đây cũng là thời điểm cây xương rồng ăn không còn vị chát mà chỉ chua thanh, nên bứt về nấu canh với cá đồng là nhất.
Tôi nhớ như in hình ảnh mỗi sáng bà nội tôi nách cái thúng bên hông, tay cầm cây dao xắt chuối lợn (quê tôi hay gọi dao lợ) đi ra đồi cát sau nhà cắt xương rồng về trưa nấu canh chua. Cháu bà, lũ trẻ chúng tôi chạy lăng xăng theo sau, chờ nội cắt tàu xương rồng nào là tranh nhau bóc lớp vỏ lụa bên ngoài. Nội thường chọn những tàu xương rồng còn non, bên ngoài không bị sẹo hay trầy xước để dễ bóc lớp vỏ. Lấy xương rồng cũng cần phải khéo léo bởi các cạnh của thân cây đều gai chi chít, sơ suất là đâm vào tay chảy máu, đau điếng.
Tàu xương rồng sau khi rộc các cạnh có gai xong là đến khâu bóc lớp vỏ áo. Mấy đứa chúng tôi vì ganh đua thành tích bóc vỏ mà đầu các móng tay xanh lè vì mủ bám nhưng đứa nào cũng hớn hở. Tiếp đó, nội tôi xắt xương rồng cho vào thúng hoặc thau, bỏ ít muối hạt nhồi cho bớt nước chua rồi mang ra rửa và vắt kỹ thành từng nắm tay, bỏ vào rổ để lên giàn tre cạnh giếng, đợi ông đưa cá về là làm nấu canh. Xắt xương rồng cũng linh hoạt, với những tàu còn non chưa có xơ chạy dọc giữa thân thì xắt ngang, cho ra lát như con sao biển. Với thân đã già thì cắt khúc tầm 5 - 7 cm rồi thái dọc theo cạnh, cho ra những lát mỏng.
Xương rồng thường nấu canh với các loại cá đồng như lóc, nhét, nhưng ngon nhất là nấu với “tía đô con”. Dân quê tôi gọi cá lóc, cá tràu là cá đô, tía đô con là bầy cá lóc con nhỏ hơn đầu đũa, còn đỏ au. Từng tía lóc con được mẹ bảo vệ rất nghiêm ngặt, chúng đi đến đâu là trủi bong bóng nhỏ li ti trên mặt nước nên rất dễ nhận thấy. Bắt tía lóc con vì thế khá dễ dàng, chỉ cần cái nhũi là có khi hốt trọn.
Công thức nấu món này rất đơn giản. Cá đồng làm sạch, bỏ đầy đủ gia vị như nước mắm, muối, hành, ném, tiêu vào ướp, sau đó bắc lên bếp đảo cho thấm rồi đổ nước lên vừa đủ. Khi nước sôi thì bỏ xương rồng làm sạch vào nấu. Nấu đến lúc nước sôi lại tầm 3 - 5 phút là tắt bếp để cho xương rồng vừa chín tới. Sau đó nêm nếm lại, múc ra tô, bỏ thêm ít hành, ngò. Vị chua thanh của xương rồng hòa quyện với vị ngọt của cá đồng cho ra món ăn dân dã mà thơm ngon, đậm hương vị quê nhà.
Những năm sống ở Đà Nẵng, thi thoảng mấy đứa em gửi nguyên liệu vào để tôi nấu canh xương rồng ăn cho... đỡ nhớ. Có lần tôi nấu món canh xương rồng với cá lóc đồng mời anh em bạn bè, ban đầu nhiều người ái ngại nhưng thưởng thức rồi ai cũng trầm trồ khen ngon và... độc lạ. Có người cứ nhắc mãi.
Bây giờ tôi đã về quê sinh sống, nên cứ thèm, cứ nhớ là tự tay đi kiếm nguyên liệu nấu canh xương rồng với cá lóc đồng. Nhà tôi ai cũng mê món này. Bởi với anh em tôi, canh xương rồng là món ăn gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ đầy hoài niệm. Nhiều người nói vui rằng, xương rồng nấu với cá đồng là món “đặc sản” của làng tôi, dân dã mà ngon, đôi khi dân thị thành ước cũng chẳng có.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xuong-rong-nau-voi-ca-dong-191184.htm