Xuống thuyền miền Tây

Dẫu chưa một lần đến miền Tây nhưng chắc hẳn với nhiều người, câu hát 'Đưa em sang sông vào vườn chôm chôm chín bằng xuồng ghe máy đuôi tôm' trong tình khúc Tình đẹp mùa chôm chôm (nhạc sĩ Giao Tiên) như mời gọi, lưu luyến.

Xuất hiện từ những năm 1960, xuồng ghe máy đuôi tôm còn được biết đến với tên gọi tắc ráng, là loại xuồng có gắn máy nổ và chân vịt. Nhưng cái tên xuồng ghe máy đuôi tôm nghe vẫn cứ đầy chất thơ, ngọt ngào.

Nó cũng được ví như “xe gắn máy trên sông” với người dân miền Tây. Lý do là loại xuồng này vừa có thể chạy nhanh như ca nô, đồng thời với thân hình nhỏ, thon dài hình thoi rất dễ điều khiển, luồn lách để đi trong các nhánh sông nhỏ, đầm lầy..

Cũng vì thế, xuồng ghe máy đuôi tôm trở thành phương tiện đa dụng: chở người, các loại hàng hóa gọn nhẹ, buôn bán hay sinh hoạt hàng ngày... Nhiều đám rước dâu trên chiếc xuồng máy đuôi tôm thấy hạnh phúc lứa đôi như đẹp hơn, thấm đượm tình. Dẫu đời sống phát triển, đường bê tông hóa đến tận các ấp vùng xa, xe máy, xe hơi đã trở nên quá phổ biến nhưng xuồng máy đuôi tôm vẫn là vật gắn liền với hình ảnh người miền Tây.

Cùng với xuồng máy đuôi tôm, xuồng ba lá cũng là một phần không thể thiếu của vùng sông nước Nam bộ. Như tên gọi, nguyên gốc ban đầu theo dọc thân xuồng được đóng bằng 3 mảnh ván phẳng, đẹp. Đáy xuồng (lồng xuồng) là một mảnh to bản. Hai mảnh còn lại làm mạn xuồng (be xuồng).

Cái tên ba lá cũng từ đó mà ra. Nhà nào ở miền Tây phía trước nhà cũng có chiếc xuồng ba lá, như “đôi chân” của họ. Xuồng ba lá có thể chèo bằng nhiều cách, mái đứng, chèo bằng hai chân, chèo bằng 1 mái...

Du khách hào hứng trải nghiệm ngồi thuyền ba lá

Du khách hào hứng trải nghiệm ngồi thuyền ba lá

Đến miền Tây, khi ghé rừng tràm Trà Sư (An Giang) hay những vườn dừa Bến Tre… mà chưa một lần thử ngồi xuồng ba lá là đã thiếu đi một trải nghiệm lý thú. Các dì hay những cô hai, cô ba yểu điệu trong bộ bà ba, đầu đội nón lá, cổ quàng khăn rằn khẽ lướt mái chèo đưa du khách chìm đắm trong vẻ bình yên của vùng sông nước.

Thuyền lướt nhẹ, êm để du khách có thể nghe thấy mọi thanh âm xung quanh, tiếng chim rít rít trên cành, tiếng gió reo trên những tán cây và cả tiếng róc rách nước vỗ hai bên mạn thuyền.

Lướt giữa rừng tràm rợp bóng hay hai bên bờ là những hàng dừa nước thân uốn lượn như chở che cho du khách, cảm thấy lòng sao bình yên. Đôi khi trên xuồng bắt gặp những câu hò, điệu lý mộc mạc ngân nga hay tiếng nói ngọt xớt từ cô chèo xuồng, chỉ cho du khách khi nào nước lớn, nước ròng. Những đoạn khi xuồng quay đầu mới thấy cái tài tình, khéo léo của người chèo, khi chỉ dùng duy nhất một mái chèo điều khiển sao mà nhẹ tênh.

Tôi còn nhớ, trong chuyến du lịch qua 9 tỉnh miền Tây vào đúng mùa nước nổi tháng 9, một du khách người Pháp gốc Việt ở tuổi 70 khi được mời gọi xuống xuồng ba lá trải nghiệm, ban đầu đã nhất quyết từ chối vì sợ. Nhưng thấy trong đoàn ai cũng hào hứng, bà quyết định thử, để rồi khi lên bờ còn muốn nấn ná đi thêm vòng nữa.

Rất nhiều du khách sau đó đã chụp ảnh, đưa lên mạng hình ảnh đi trên những chiếc xuồng ba lá và ví von những con thuyền nhỏ bé này như một biểu tượng của đất Nam bộ Việt Nam, giống như những chiếc thuyền gondola của xứ Venice xa xôi.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuong-thuyen-mien-tay-post708906.html