'Xuyên không' về quá khứ ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình
Sau nhiều năm nằm yên vì chưa đủ điều kiện trưng bày, vài năm trở lại đây, hơn 16.000 hiện vật, tư liệu lưu giữ ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình đang 'nói' biết bao điều với du khách và người dân địa phương về mảnh đất và con người Quảng Bình xưa, nay…
Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình nằm ngay trước quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm TP Đồng Hới. Xung quanh có khá nhiều di tích và công trình văn hóa lịch sử như thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình quan, cửa Đông thành cổ, tượng đài Mẹ Suốt, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa… nên rất thuận lợi cho du khách và người dân địa phương ghé tham quan. Thông qua từng hiện vật, từng bức ảnh, du khách, người dân, đặc biệt là các em học sinh có thể thu nhận được những kiến thức bổ ích.
Theo bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, số lượng khách đến với bảo tàng ngày càng gia tăng, đặc biệt là học sinh các cấp và cả du khách nước ngoài. Tám tháng đầu năm 2023 có hơn 30.000 lượt khách đến. Ngoài những giá trị về văn hóa, lịch sử thì Quảng Bình vốn là mảnh đất địa đầu của hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì vậy những hiện vật ở đây càng được du khách trẻ, nhất là du khách nước ngoài đến tìm hiểu.
Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, cho biết hiện nay bảo tàng lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 16.000 hiện vật, ảnh, phim tư liệu… liên quan tới mọi lĩnh vực của mảnh đất, con người Quảng Bình, như văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán… qua suốt thời kỳ gần 420 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình. Trước khi bảo tàng trưng bày hiện vật và đón khách, tất cả các hiện vật, tư liệu đều được làm bảng giới thiệu súc tích bằng tiếng Việt và Anh.
Tuyến trưng bày theo bảy chủ đề: thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa các dân tộc, thời sơ sử, văn hóa Chămpa, từ thế kỷ XI đến 1945, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1975), thời kỳ đổi mới và phát triển. Cách trưng bày theo tuyến này tạo thuận lợi dễ dàng cho khách tìm đúng nơi mình cần đến, cần tìm hiểu một cách nhanh nhất.
Mảnh đất Đồng Hới, Quảng Bình là nơi năm 1957 Bác Hồ đặt chân đến cuối cùng trên hành trình trở về Nam, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911: bến Nhà Rồng ở Sài Gòn. Như nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã viết: “Mảnh đất tột cùng Bác trở về Nam/Đồng Hới nhận phàn vinh dự nhất/Ba mươi bảy năm mà như phút chốc/Nhật Lệ còn in dấu Bác dừng chân”. Bởi lẽ này nên những tư liệu, ảnh và hiện vật như bộ sưu tập huân chương, huy chương, huy hiệu và các thư khen, hình thể khối mà Bác Hồ tặng thưởng cho các cá nhân, đơn vị trong tỉnh... trưng bày trong bảo tàng này luôn được học sinh tìm đến.
Trong bảo tàng này còn có hiện vật là bộ sách vải viết bằng chữ thư pháp Việt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, bảo tàng còn được Bộ Quốc phòng tặng phần mềm và thiết bị tham quan 3D giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, người sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình và gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ở khuôn viên Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, du khách được ngắm chiếc máy cày màu đỏ AT3 do Liên Xô sản xuất, là quà của Bác Hồ tặng Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) vào năm 1961. Chiếc máy bay MIG17 mang số hiệu 2002 của Không quân nhân dân Việt Nam, là một trong hai chiếc máy bay vào năm 1972 đã xuất phát từ sân bay Khe Gát ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và ném bom làm hư hỏng hai tàu khu trục Mỹ trên vùng biển Đồng Hới.
Ở đây cũng trưng bày chiếc máy bay cánh quạt AD6 của Không quân Hoa Kỳ, một trong nhiều loại máy bay của Mỹ từng bắn phá miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh. Một chiếc xe vận tải ZIL157 loại lớn của bộ đội vận tải Trường Sơn. Chiếc chân vịt rất lớn của tàu Pháp gặp nạn vào năm 1952 trên vùng biển Quang Phú (Đồng Hới), sau đó bị du kích xã đổ xăng dầu đốt chìm… Nhiều hiện vật khác như vỏ bom đạn các loại và xác máy bay Mỹ, súng thần công của triều Nguyễn, cột đình làng Đồng Hải… cũng được trưng bày. Đây là nơi du khách dễ dàng có được những bức ảnh kỷ niệm yêu thích với những năm tháng chiến tranh.
Tiếng lành đồn xa, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình đang đón nhiều đoàn du khách đi theo tour từ các tỉnh, thành trong nước về, hoặc đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi về làm việc với tỉnh. Nhiều người dân Quảng Bình sinh sống ở các tỉnh, thành khác mỗi khi về quê cũng tìm đến bảo tàng để tham quan. Điều đặc biệt là hiện nay bảo tàng chưa thu phí tham quan.
Chị Nguyễn Thị Huê, hiện sống ở TP.HCM, rất vui khi được ngắm nhìn những hiện vật gắn liền với một thời tuổi thơ của chị. Đó là cối, chày, nơm, giỏ, thúng mủng… Chị nói: “Tôi sinh ra ở vùng chiêm trũng Lệ Thủy, nên thấy vui và như trở lại với tuổi thơ từ những vật dụng này…”. Chị Huỳnh Lý Ngọc Diễm, là sinh viên Trường đại học sư phạm TP.HCM, cho biết: “Đến Quảng Bình, nơi tôi muốn đến đầu tiên là bảo tàng này. Vì ở đây tôi biết thêm được nhiều điều, để sau này có thể bổ sung cho kiến thức học tập hay giảng dạy cho học sinh nếu tôi theo nghề dạy học”.
Để những hiện vật, những câu chuyện trong bảo tàng đến được với du khách và người dân địa phương, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình đã chọn cách hoạt động là luôn mở cửa để phục vụ. Thiết kế lại không gian trưng bày để mọi người dễ xem, dễ tìm. Cách trình bày bảng thuyết minh mỗi hiện vật cũng ngắn, đầy đủ nhất và theo từng giai đoạn lịch sử của Quảng Bình.
Đặc biệt bảo tàng chú trọng hình thức trưng bày hiện vật, tư liệu với cách phối màu sơn trên từng bức tường kèm với hệ thống chiếu sáng bằng đèn led tự động, tạo được ấn tượng mạnh với người xem. Bảo tàng cũng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành kết nối tour, tuyến, nhất là tour du lịch khám phá thành phố Đồng Hới bằng xe điện; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức cho giáo viên và học sinh đến tham quan, tìm hiểu bảo tàng.
Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cho biết nhiều du khách khi đến Quảng trường Hồ Chí Minh đều ghé vào bảo tàng. Vì vậy sở phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nơi đây thành điểm đến mới.
Trong hành trình đi xe điện tham quan các di tích ở Đồng Hới, du khách sẽ ghé bảo tàng, vì ngoài tham quan hang dộng và vui chơi ở các điểm du lịch sinh thái thì bảo tàng cũng là nơi đáng đến để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất mà họ đã đến. Tới đây, khi đủ điều kiện trưng bày các bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý, chắc chắn còn thu hút du khách nhiều hơn.
Lam Giang