Ý chí hòa ý nguyện, quyện đúc những công trình: Bài 2- Xây cầu bằng quyết sách đặc biệt
BẮC GIANG - Ngày 16/6/2023, cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh khánh thành giai đoạn 2. Cây cầu nằm trên tuyến cao tốc huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu tư, quản lý. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của cử tri, tỉnh Bắc Giang đã làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là đề xuất Trung ương cho tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để mở rộng cầu, tháo nút thắt, điểm nghẽn lớn về giao thông cho chính Bắc Giang và đất nước.
“Cầu mong xây đã lâu…”
Từ nhiều năm nay, cầu Như Nguyệt và Xương Giang là hai điểm nghẽn về giao thông của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là cầu Như Nguyệt. Cả hai cây cầu đều nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, kết nối trục động lực tăng trưởng từ Thủ đô Hà Nội- Bắc Ninh - Bắc Giang- Lạng Sơn và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu là cửa ngõ vào tỉnh; còn cầu Xương Giang qua sông Thương là cửa ngõ vào trung tâm thành phố Bắc Giang.
Cao tốc Hà Nội- Bắc Giang có 6 làn xe nhưng khi tới cầu Như Nguyệt, Xương Giang lại thắt nút cổ chai, chỉ còn 2 làn khiến phương tiện giao thông buộc phải di chuyển chậm, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Chưa kể, cầu Xương Giang còn cho cả ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ đi chung, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.
Ông Trần Văn Tuấn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Từ nhiệm kỳ trước, các ĐBQH Bắc Giang đã liên tục chất vấn, kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ nút thắt cho hai điểm cầu này. Lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm nên cứ đến cầu là tắc khiến cử tri, người dân bức xúc.
Với nhiều lái xe vận chuyển hàng hóa, hoa quả, nông sản… từ miền Nam sang Trung Quốc tiêu thụ, mỗi lần qua cầu không phải chờ đợi là hạnh phúc bởi chậm giờ nào, mất tiền giờ đó, thậm chí nếu tắc đường, tắc cầu quá lâu, thanh long, sầu riêng… tới cửa khẩu phải quay đầu lại, trông chờ bán giải cứu.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang luôn đeo bám công việc, quyết tâm theo đuổi vì sự phát triển của tỉnh nhà; luôn có khát vọng đổi mới, sáng tạo, gương mẫu, thể hiện rõ nét trách nhiệm của những người “đứng mũi chịu sào”. Trong những hoàn cảnh khó khăn, cấp bách nhất, lãnh đạo tỉnh đã bình tĩnh, bản lĩnh, sáng tạo, kịp thời đưa ra các quyết sách đúng đắn, chưa từng có tiền lệ để làm xoay chuyển tình hình”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH
Cùng chung nút thắt như cầu Xương Giang, Như Nguyệt, cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam nằm trên quốc lộ 37 cũng được cử tri, ĐBQH nhiều lần “một lần nữa đề nghị” với Quốc hội, Chính phủ. Đây là cây cầu có tuổi đời gần 50 năm và hiếm hoi trên cả nước đi chung cả đường sắt và đường bộ. Đặc biệt, cầu xuống cấp nghiêm trọng, xe chạy qua là ốc vít rung lắc; phần đường dành cho xe máy, xe đạp nhỏ (mỗi bên chỉ 1,2 m), gập ghềnh, lồi lõm, sểnh ra là nguy cơ ngã xuống sông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra ở cây cầu này và giờ vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đây là cây cầu huyết mạch nối tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; lượng xe lớn, tàu qua là tắc.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, một lần nữa, những bất cập của những cây cầu này lại làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi không chỉ ĐBQH Bắc Giang chất vấn, cả đại biểu đoàn khác cùng chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đề xuất Trung ương cho tỉnh bỏ vốn đầu tư
Trong nhiều văn bản trả lời Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang về lộ trình nâng cấp, mở rộng cầu Như Nguyệt, Xương Giang, Bộ GTVT đều ghi nhận nguyện vọng chính đáng của cử tri và chia sẻ khó khăn với người dân khi lưu thông trên hai cây cầu. Tuy nhiên, do không bảo đảm tính khả thi về tài chính, về quy định của pháp luật nên không thể đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt, Xương Giang bằng hợp đồng BOT cũng như chưa cân đối được nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngay cầu Cẩm Lý, dù được Chính phủ phê duyệt trong danh mục dự án đầu tư khẩn cấp từ năm 2011 song đến nay vẫn chưa giải quyết được bài toán về kinh phí. Giải trình trước Quốc hội ở Kỳ họp thứ 5 (ngày 7/6/2023), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân trần: “Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa thể bố trí được. Bộ đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn lực nhưng cuối cùng cũng không thành công”.
Chia sẻ khó khăn với Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã có một quyết sách đặc biệt, chưa từng có, đó là “xin” được mở rộng cầu Như Nguyệt do Trung ương đầu tư bằng tiền địa phương. Nói về quyết định này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Thái cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã họp bàn nhiều lần, cân nhắc nhiều phương án, chọn điểm nghẽn nhất trong các điểm nghẽn để xử lý trước và quyết định đề xuất với Thủ tướng cho nâng cấp cầu Như Nguyệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương, gỡ nút thắt giao thông quan trọng cho tỉnh và cả nước. Dù biết đây là việc khó, chưa từng có trong tiền lệ nhưng tỉnh vẫn quyết tâm đề xuất, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và Nhân dân”.
Được sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ GTVT, sự phối hợp của tỉnh Bắc Ninh và đặc biệt là sự kiên trì đề xuất, chủ động tham mưu của tỉnh Bắc Giang, ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức có văn bản số 1390/TTg-CN cho phép tỉnh Bắc Giang được thí điểm thực hiện đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Vài ngày sau đó, ngày 29/10/2021, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX đã tổ chức Kỳ họp thứ 4, kỳ họp chuyên đề để quyết nghị và thông qua một số nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết xây dựng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2).
Nói về quyết sách đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây có thể nói là quyết định đột phá của Chính phủ và cho thấy tư duy đổi mới, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Bắc Giang đã hóa giải được những vướng mắc về vốn, quy định, thẩm quyền… mà quá trình xây dựng pháp luật chưa lường hết được.
Cầu “Made in Bắc Giang”
Giữa những ngày Covid-19, khi vừa trải qua tâm điểm của đại dịch, phải đối mặt với biết bao khó khăn, Bắc Giang vẫn quyết tâm dành ngân sách xây cầu. Có thể so với Trung ương, dự án cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) là công trình không lớn, tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên, bằng sự quyết tâm của mình đã xóa được nút thắt về giao thông tồn tại nhiều năm trên cao tốc, khơi thông con đường lên biên giới, thúc đẩy phát triển KT- XH, giao thương không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước.
“Tôi không biết cầu Như Nguyệt xây mới hết bao nhiêu tiền, tôi chỉ biết đây là cây cầu của Bắc Giang, do Bắc Giang xây và nó là “cầu made in Bắc Giang””, nhiều người dân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có mặt ở lễ khánh thành cầu vui vẻ nói như vậy!
Còn với những ai hay đi qua tuyến đường này, việc xóa nút thắt cổ chai, mở rộng cầu từ 2 làn xe lên 4 làn, đồng bộ với cao tốc cũ đã giúp phương tiện qua đây vô cùng thuận lợi. Bà Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bắc Giang, người nổi tiếng ở nhiệm kỳ với chất vấn “cao tốc nhưng không phải là cao tốc” bày tỏ: “Tôi chuyển công tác ra Hà Nội. Giờ mỗi lần về quê hay đi tiếp xúc cử tri, qua cao tốc không phải căn chỉnh thời gian, tránh giờ cao điểm nữa. Không còn ùn tắc, đường thông thoáng, cao tốc Hà Nội- Bắc Giang thực sự là cao tốc rồi”.
Nếu chỉ lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với nguyện vọng chính đáng của cử tri, e là chưa đủ. Các ĐBQH tỉnh cũng như lãnh đạo địa phương đã không ngại va chạm, không sợ trách nhiệm, “soi” đến cùng ngóc ngách để tìm những giải pháp đột phá mới, từ đó tháo gỡ, báo cáo, đề xuất với Trung ương, bảo vệ đến cùng lợi ích chính đáng của cử tri.
Từ cơ chế đặc thù xây cầu Như Nguyệt của Bắc Giang đặt ra yêu cầu sớm nghiên cứu, tháo gỡ những bất cập ngay từ thể chế, chính sách pháp luật cho những công trình đường bộ khác, trong đó có cầu Xương Giang và Cẩm Lý, góp phần tạo diện mạo mới cho quê hương, đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thu Hương - Thu Phong
(Còn nữa)