Ý chí, niềm tin của người cộng sản
Xuân mới Ất Tỵ 2025 đang về trên khắp nẻo đường. Đây là mùa xuân thứ 95 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đồng hành với dân tộc đập tan mọi xiềng xích, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày cả nước Việt Nam hân hoan chào mừng xuân mới, những chiến sĩ cộng sản kiên trung từng đón nhiều mùa xuân nơi ngục tối của kẻ thù lại bồi hồi với những ký ức không thể quên. Nơi ấy, họ đã có một thanh xuân đầy tự hào.
Sắt son niềm tin với Đảng, Bác Hồ
15 tuổi tham gia cách mạng, 19 tuổi bị địch bắt…, dù chỉ bị tuyên án 18 tháng tù giam nhưng nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị Trương Mỹ Hoa bị kẻ thù giam giữ đến 11 năm. Trong thời gian bị chính quyền tay sai đày ải qua nhiều nhà lao từ Gia Định, Thủ Đức, Côn Đảo đến Tân Hiệp…, cựu tù chính trị Trương Mỹ Hoa thấu hiểu sự tàn bạo của chế độ lao tù mà kẻ thù dành cho mình và những chiến sĩ cách mạng. Với tinh thần kiên trung của người cộng sản, bà cũng như những chiến sĩ cách mạng khác không ngừng đấu tranh để giữ khí tiết và luôn một lòng tin tưởng vào ngày đất nước toàn thắng.
“Ngày ấy, những người tù chính trị như chúng tôi có một niềm tin vô cùng vững chắc là cách mạng nhất định sẽ thắng lợi, vì chúng ta có chính nghĩa, những kẻ cướp nước và bán nước thì nhất định sẽ thua. Chúng tôi cũng tự nhủ là ngày chiến thắng của dân tộc chưa chắc đã có mình. Nói như thế không có nghĩa là bi quan, nhưng xác định vậy bởi kẻ địch có trăm mưu, ngàn kế. Chúng mua chuộc, dụ dỗ đủ thứ… Cho nên con đường đi đến chiến thắng đó sẽ phải vượt qua được những cám dỗ ấy. Thế nhưng, sinh mạng bản thân mình còn không tiếc, không lẽ những thứ tầm thường ấy phải tiếc hay sao! Mình xác định những điều đó để luôn lạc quan và chấp nhận hy sinh” - nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ.
Mùa xuân Ất Tỵ này, bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai bước sang tuổi 80. Theo bà, đã là người cộng sản thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nhớ lại những năm tháng hoạt động cách mạng, nhất là giai đoạn bị địch bắt, tù đày hết nhà tù này đến nhà lao khác, bà xúc động chia sẻ: “Mình thà hy sinh để sống mãi trong lòng đồng đội chứ nhất định không bị địch dụ dỗ, không được phản cách mạng. Vì thế, dù bị tra tấn, đàn áp thế nào, mình cũng cố gắng giữ trọn khí tiết, luôn có niềm tin vào thắng lợi của cách mạng”. Theo bà, niềm tin ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã bồi đắp tinh thần lạc quan, để chiến đấu với chế độ hà khắc, vô lý của địch nơi ngục tù.
Đối với cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, những ngày tháng ấy, chị em trong tù luôn nhìn mọi vấn đề bằng con mắt lạc quan và bản lĩnh trước mọi hoàn cảnh. “Nhà tù cũng giống như chiến trường thầm lặng. Không có tiếng súng nhưng không kém phần khốc liệt. Sống trong tù ngột ngạt, thiếu ánh sáng, không khí, cũng có những lúc chúng tôi nghĩ đến tương lai của mình. Nhưng tương lai trong suy nghĩ của chúng tôi sẽ được quyết định bởi dân tộc mình, đó là chiến thắng, là độc lập. Tất cả đều có niềm tin vững chắc vào Bác Hồ, vào sự lãnh đạo của Đảng” - cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh chia sẻ.
Ở các “địa ngục trần gian” ngày ấy, những người bị kết án tử mới thấy hết được sự cùng cực của lao tù. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Em (bị đày ra Côn Đảo năm 1967 cho đến ngày đất nước được giải phóng) kể lại: “Chúng tôi bị còng xích 100%, 24/24 giờ. Trong suốt hơn 8 năm, từ ngày bị đày ra Côn Đảo chờ xử bắn cho đến khi đất nước giải phóng, tôi vẫn trong còng xích, có khi còng 1 giò, có lúc 2 giò, lúc 2 người chung 1 còng... Thế nhưng, xác định nhận án tử là chết, nên chúng tôi liên tục đấu tranh chống chào cờ, chống lăn tay, chụp hình... Cứ mỗi lần như thế là bị đánh, bị đàn áp; nhưng chúng tôi không sợ, vẫn đấu tranh và nhất quyết giữ trọn khí tiết, trọn lời thề với Đảng, Bác Hồ”.
Sáng bừng tình đồng chí, đồng đội
Nơi “địa ngục trần gian” ấy, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, người cộng sản yêu nước một lòng kiên trung với lý tưởng, biến nhà tù thành trường học cách mạng, rèn luyện, hun đúc nên những thế hệ chiến sĩ quả cảm và tình đồng đội, đồng chí luôn sắt son.
Cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh cho biết, thời kỳ ấy, hoạt động của tổ chức đảng trong tù bị đàn áp rất gắt gao. Vì thế, các đảng viên hoạt động bí mật. “Khi mới bị đưa vào tù, mình chỉ tin những người mình đã biết chắc chắn, biết trước đó ngoài đời, bởi khi bị bắt, mình đã nhất quyết không nhận là cộng sản rồi nên không được để lộ thân phận. Nhưng khi đã biết, đã hiểu nhau rồi thì công khai với nhau theo mối quan hệ để tập hợp lại. Không nói là đảng viên, mà nói với nhau là đại diện mâm (mâm cơm), đại diện phòng, để tập hợp ý kiến của chị em lại mà đấu tranh, cũng như để nhận dìu dắt, bồi dưỡng quần chúng” - cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh kể.
“Chúng tôi ở đâu cũng cảm nhận được có sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đã củng cố tinh thần chúng tôi tiếp tục đấu tranh, chịu đựng gian khổ, quyết tâm trung với Đảng, hiếu với dân, chấp nhận hy sinh bản thân vì cách mạng” - cựu tù chính trị Trần Thị Hòa chia sẻ như thế và cho biết, tâm trí những người cộng sản ngày ấy được tóm lược trong 4 câu thơ: “Con đường cách mạng lắm chông ba/ Vững bước, tay chèo ắt vượt qua/ Tập thể quên mình, là sức mạnh/ Hướng về Bác, Đảng - ngọn đèn pha”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động: “Những ngày bị tù đày, bài học lớn mà chúng tôi đúc kết được vẫn có giá trị đến tận bây giờ, đó là sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Cái gì cũng nhường nhau: Nhường nhau chỗ nằm, nhường ánh sáng, nhường miếng ăn… Còn những khó khăn, gian khổ thì nhận hết về mình”.
Đã là người cộng sản thì phải kiên trung
Với niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng, với tình yêu thương, đùm bọc, sự hy sinh cho nhau, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã thể hiện rõ tinh thần của người cộng sản, bền gan, vững chí, chiến đấu và lập nên những kỳ tích, biến bóng đêm đen tối của nhà tù thành ánh sáng cách mạng…
Sau ngày giải phóng, nhiều người đã thành đạt trên các lĩnh vực. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Em từng giữ cương vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) thuộc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn. Đó là cựu tù binh nhà lao Phú Tài - Nguyễn Thị Nghĩa (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) chính là người gầy dựng nên chuỗi siêu thị Saigon Co.op ở TP. Hồ Chí Minh và đang mở rộng trên toàn quốc như hiện nay, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… Tinh thần người cộng sản trong nhà lao của kẻ thù ngày ấy đã giúp họ không ngừng phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước trong thời bình.
Còn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) lại tâm huyết lập nên một bảo tàng thu nhỏ về những năm tháng hào hùng của dân tộc ngay tại gia đình mình với mong muốn “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ. Ông cho biết, bây giờ, các cán bộ, đảng viên được sống trong thời bình phải rất kiên trung, thậm chí kiên trung gấp đôi, bởi ngày xưa, “địa ngục trần gian” thử thách sự kiên trung của người tù, người Việt Nam yêu nước. Còn ngày nay, không có địa ngục trần gian, nhưng nhiều cạm bẫy vô hình và hữu hình. Chỉ khi có sự kiên trung, chúng ta mới có thể chiến thắng được chính mình trước những cám dỗ vật chất; mới có thể dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng; luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại các thế lực thù địch phá hoại nền hòa bình, độc lập của dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... Và tuổi trẻ hôm nay cũng phải luôn tin vào những thành quả của cách mạng, những chủ trương, đường lối của Đảng để rèn luyện, phấn đấu.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước vẫn tham gia vào nhiều hoạt động như: Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính... Bà chia sẻ: Đất nước mình trải qua nhiều giai đoạn và giai đoạn nào cũng cần sự kiên trung của người cộng sản. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải trui rèn bằng cách ra sức học tập, trang bị cho mình ý chí, nghị lực, khát vọng cống hiến; nhất là phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/168373/y-chi-niem-tin-cua-nguoi-cong-san