Ý kiến cử tri

Bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi lại một số ý kiến đóng góp của cử tri.

Cử tri TRẦN ĐÌNH BÍNH, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại Tây Nguyên

Hiện nay, phương thức vận tải chính trên địa bàn Tây Nguyên là đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, đường hàng không chưa phải là chủ lực. Vì vậy, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo. Trong đó, Đường Hồ Chí Minh là huyết mạch giao thông chính, kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền xuôi.

Thực tế, qua nhiều năm khai thác, tuyến đường này đã bị quá tải và chưa có tuyến đường nào mới để bổ sung. Mặt khác, việc kết nối giữa Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung trong trục hành lang kinh tế Đông Tây chủ yếu dựa vào các tuyến quốc lộ đã có từ lâu. Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng trong bảo dưỡng, nâng cấp, nhưng hiện nay hệ thống giao thông đường bộ đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đồng bộ. Thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển chính là một trong những nguyên nhân khiến vùng Tây Nguyên chưa có sự phát triển mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng.

 Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Giao thông chưa thuận lợi là nút thắt kìm hãm sự phát triển của Tây Nguyên nhiều năm qua. Đầu tư các tuyến đường cao tốc sẽ mở ra cơ hội, giúp Tây Nguyên bứt phá. Để giải quyết được vấn đề này, trước hết, các địa phương phải phát huy tính năng động, sáng tạo trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn Tây Nguyên như: Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ nối Quảng Nam với Kon Tum, Quảng Ngãi với Măng Đen (Kon Tum), Bình Định với Gia Lai để kết nối các tỉnh Tây Nguyên, tạo sự liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, từ vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp chế biến, từ nguồn hàng đến bến cảng.

VĨNH LỘC (ghi)

-----------------------

Cử tri ĐẶNG NGỌC SƠN, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định: Quan tâm bảo đảm việc làm cho người lao động

Qua theo dõi nội dung trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, tôi rất quan tâm đến thực tế là hiện nay, một bộ phận không nhỏ công nhân bị mất việc do nhà máy thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng. Ở khu vực phía Nam, tình trạng này diễn ra phổ biến hơn. Trong đó, có không ít người dân từ phía Bắc đi vào các tỉnh, thành phố phía Nam để làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Đến nay, vì nhà máy cắt giảm nhân công nên nhiều người trở về quê, làm công việc thời vụ kiếm sống qua ngày. Do vậy, cuộc sống gặp không ít khó khăn bởi mức lương công nhân vốn eo hẹp, không có nhiều tiền tích lũy. Công việc ở quê chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp, một sào ruộng thu hoạch một vụ chỉ lãi vài trăm nghìn đồng. Chưa kể có khi mất mùa hay gặp cảnh "được mùa mất giá" thì giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp hơn nữa.

Có những công nhân đã đi làm nhiều năm ở nhà máy, xí nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm, tay nghề vững vàng nhưng vì thiếu việc làm nên phải đi theo những công việc trái ngành nghề được đào tạo. Để có một công nhân lành nghề cũng phải mất nhiều thời gian, công sức, nay không được sử dụng nữa sẽ là sự lãng phí nguồn nhân lực. Tôi cũng được biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp bảo đảm việc làm cho người lao động. Tôi cho rằng đây là những giải pháp rất cần thiết.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn trước mắt, khi người lao động chưa thể trở lại làm việc hoặc công việc chưa khôi phục hoàn toàn như trước đây, cần có những hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, thiết thực. Đó có thể là khoản tiền giúp đỡ người lao động mất việc làm trong một giai đoạn nhất định và những hình thức hỗ trợ bằng hiện vật khác để họ có thêm nguồn lực trang trải cuộc sống. Đây cũng là cách giữ chân người lao động lành nghề, sẵn sàng bổ sung nguồn nhân lực khi sản xuất, kinh doanh phục hồi trở lại.

BẢO LINH (ghi)

-----------------------

Cử tri NGUYỄN THỊ SANG, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ: Sáng tỏ, thỏa đáng những vấn đề “nóng”

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người hỏi và người trả lời. Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội phản ánh sát diễn biến đời sống và nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Các thành viên Chính phủ đều nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế. Thông qua câu hỏi tranh luận, các đại biểu còn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém, đồng thời gợi ý các giải pháp để khắc phục vấn đề.

Tôi cũng mong muốn thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, xử lý tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc. Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương... dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt có nơi còn trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước...

THÚY AN (ghi)

----------------------

Cử tri ĐẶNG VĂN THẮNG, Giáo viên Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Nghệ An: Đào tạo và sát hạch lái xe cần tạo điều kiện cho người học

Là giáo viên dạy lái xe, tôi xin chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề áp dụng hình thức mới trong đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã sửa đổi chương trình đào tạo và sát hạch lái xe cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT. Cá nhân tôi thấy đây là việc làm đúng đắn để nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, nhưng có một số nội dung cần xem xét chỉnh sửa phù hợp, tạo điều kiện cho người học.

Từ khi áp dụng hình thức học và sát hạch lái xe mới đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho người học và cơ sở đào tạo. Đành rằng, việc học và thi khó hơn sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo lái xe nhưng có một số nội dung không cần thiết phải gắt gao quá. Chẳng hạn, thời gian học lý thuyết về pháp luật giao thông đường bộ đòi hỏi người học phải học 90 giờ học trong thời gian tương đương 12 ngày tại cơ sở đào tạo. Việc này gây khó khăn cho người học, bởi đa số người học lái xe là người đang đi làm, người ở xa trung tâm, bố trí một thời gian dài như vậy để đi học thực sự rất khó sắp xếp. Khóa vừa rồi, tôi nhận dạy một số học viên cách trung tâm hơn 100km, họ phải sắp xếp thời gian, tìm chỗ ở rất vất vả. Hay quy định một học viên học lái xe ô tô hạng B2 phải thực hành lái xe trên đường giao thông 810km. Tiêu chí này tôi cho là quá dài, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo phải tuyển dụng thêm giáo viên, phát sinh thời gian, chi phí cho người học.

Cá nhân tôi thấy, trong các phần học lý thuyết, cần linh hoạt về mặt thời gian, không cần thiết phải lên lớp ngồi học theo giờ hành chính. Nếu có thể thì bắt buộc học khoảng 5 ngày lý thuyết liên tục, còn lại học viên tự ôn luyện. Phần thi 120 tình huống mô phỏng giao thông cũng nên sắp xếp lại thang điểm hợp lý hơn. Ví dụ, xử lý tình huống nguy hiểm sớm thì trừ 1-2 điểm, thực tế xử lý sớm lại 0 điểm. Phần thực hành lái xe cũng cần giảm thời gian, miễn sao bảo đảm hiệu quả, tạo điều kiện cho học viên và cơ sở đào tạo.

HOA LÊ (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/y-kien-cu-tri-730650