Ý kiến cử tri
LTS: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV bắt đầu từ ngày 6-11 thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân. Cùng với theo dõi, đánh giá việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, cử tri cũng chia sẻ với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp thêm các giải pháp, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan. Báo Quân đội nhân dân trân trọng đăng tải một số ý kiến.
* TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
Tăng cường quản lý tốc độ phương tiện để hạn chế tai nạn giao thông
Một trong những vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là công tác bảo đảm an toàn giao thông. Trước đây, hạ tầng giao thông còn hạn chế, đường xấu, xe chạy chậm, mất nhiều thời gian. Cùng với hạ tầng giao thông được đầu tư, mở rộng, hoàn thiện, đường xá tốt hơn nên phương tiện được phép chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, xe chạy càng nhanh thì nguy cơ gây tai nạn giao thông càng tăng lên. Chính vì vậy, cần khống chế tốc độ để bảo đảm xe di chuyển thuận lợi, nhanh nhưng phải an toàn. Tại các nút giao thông tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cũng cần có giải pháp kiểm soát tốc độ.
Để quản lý tốc độ, ngay từ khâu phân loại mô tô, xe gắn máy, theo tôi không nên phân theo công suất động cơ mà cần theo tốc độ. Nhiều ý kiến đánh giá, xe kinh doanh vận tải thường chạy quá tốc độ. Tôi cho rằng việc kiểm soát tốc độ không phân biệt xe kinh doanh hay không kinh doanh vận tải. Phương tiện lưu thông trên đường đều phải tuân thủ quy định về tốc độ. Xe kinh doanh vận tải hiện đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, qua đó có thể kiểm soát tốc độ.
Tuy nhiên, có xe chạy quá tốc độ hàng nghìn lần trong vài tháng rồi mới bị xử lý, làm giảm hiệu quả của công tác quản lý. Để bảo đảm an toàn, khi xe chạy quá tốc độ cần phải được phát hiện và có biện pháp ngăn chặn ngay như lập tức thông báo đến đơn vị quản lý lái xe, bản thân lái xe và lực lượng chức năng. Nếu vi phạm nhiều lần cần có hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí tước giấy phép lái xe.
MẠNH HƯNG (ghi)
* Thạc sĩ kinh tế Đinh Tiên Hoàng, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh:
Gỡ điểm nghẽn về vốn cho dự án trọng điểm sắp hoàn thành
Các dự án trọng điểm chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh tập trung vướng mắc là ở pháp lý và nguồn vốn. Cụ thể như dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, quy mô đầu tư 10.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) được khởi công từ năm 2016.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến nay, dù dự án đã hoàn thành 90% khối lượng nhưng do chủ đầu tư thiếu vốn, khó khăn về tài chính nên 10% khối lượng thi công, tương đương số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng, không thể thực hiện được khiến dự án đình trệ. Vì tính bức thiết và quan trọng của dự án, cử tri TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND TP Hồ Chí Minh và của đại biểu Quốc hội về nội dung cần có các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, nhất là cân đối nguồn vốn để sớm hoàn thành dự án. Thành phố đã đề xuất Trung ương cho cơ chế thanh toán sớm để nhà đầu tư dự án sớm hoàn thành công trình. Nhưng đề xuất này hiện vẫn chưa được giải quyết.
Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6-11 đã diễn ra rất sôi nổi xung quanh các vấn đề đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA. Theo tôi, để các dự án trọng điểm sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng hoặc ban hành nghị quyết cụ thể để tháo gỡ cho các dự án trọng điểm đã đạt khối lượng thi công, hạng mục dự án đã hoàn thành, cho phép địa phương tự cân đối, điều chuyển vốn đầu tư công để giải quyết bài toán vốn cho những dự án sắp hoàn thành.
Giám sát, đốc thúc để nguồn vốn được thanh toán, sử dụng hiệu quả, phát huy kịp thời đối với các dự án đang vướng mắc, đang gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư. Gỡ được nút thắt chủ động về cần đối nguồn vốn, giải quyết vốn cho các dự án trọng điểm không chỉ giúp những dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, mục đích của dự án mà còn không để xảy ra sự lãng phí kéo dài, gây khó khăn, bào mòn năng lực của chủ đầu tư do dự án đình trệ, kéo dài từ năm này qua năm khác.
BẢO MINH(ghi)
* Bà NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Thảo Phát (Hyundai Bắc Ninh):
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp
Mặc dù Chính phủ đã mở cửa lại hầu hết ngành nghề và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Hiện nay, vấn đề tài sản thế chấp, lãi suất vay vốn, lịch sử tín dụng và thủ tục vay vốn vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần xây dựng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. Khi họ không thể tiếp cận được vốn từ ngân hàng thì vẫn cần có hình thức khác để cho doanh nghiệp huy động được vốn.
Đồng thời tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp với hoàn cảnh của họ. Ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp theo từng thời điểm ngắn hạn bám sát tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp.
Sớm đưa các gói hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và hạn chế tối đa các rủi ro; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng trực tiếp cho vay gói tín dụng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quy định đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi bên và có phương án cho vay phù hợp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khó khăn. Mối quan hệ ngân hàng-doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh; doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn nên tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ trả nợ đi đôi với vấn đề dòng vốn tín dụng tiếp sức cũng phải bảo đảm nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời.
ANH VIỆT (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/y-kien-cu-tri-750339