Ý kiến cử tri

GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ: Doanh nghiệp, nông dân vẫn đơn độc trong sản xuất xanh

Trước sự biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, nông nghiệp đang có những bước chuyển dịch sang sản xuất bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, để đến hiện thực còn khoảng cách khá xa và nhiều “điểm nghẽn”. Hầu hết nông dân cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đều canh tác quy mô nhỏ nên rất khó tiếp cận các giải pháp tài chính, lồng ghép với mục tiêu phát triển bền vững. Phía doanh nghiệp đơn độc trong việc phối hợp với những nông hộ riêng lẻ, nhất là khi tiếp xúc sâu hơn với bà con tại các ấp thuộc vùng sâu, vùng xa.

Phía người nông dân, dù cơ giới hóa và thành tựu khoa học-công nghệ đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhưng trong số 100 nông dân làm nông nghiệp thì hơn 50 người chờ sạ lúa xong, đợi lúa lên mới bón phân u-rê, vừa tốn phân bón mà lượng phân oxi hóa lại tạo ra khí nhà kính. Chúng ta hướng đến nền nông nghiệp sạch nhưng lại chưa cụ thể lượng vi sinh, phân hữu cơ, phân vô cơ phải sử dụng như thế nào, liều lượng bao nhiêu, bón thời điểm nào cho đúng kỹ thuật, hiệu quả.

Để hướng đến nền nông nghiệp xanh, người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp cần hơn nữa những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá về đất đai, nhân lực, tài chính, tín dụng, thuế, khoa học-công nghệ từ các cơ quan quản lý nhà nước trên hành trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh.

THÚY AN (ghi)

--------

TS Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:

Đồng bộ các giải pháp để giảm rác thải nhựa đại dương

Vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương đang được người dân rất quan tâm bởi đây là vấn đề cấp bách trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia ven biển như Việt Nam. Hiện nay, nguyên nhân chính gây ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là do người dân xả rác bừa bãi, rác trôi theo đường thoát nước, sông, suối... ra biển; một phần rác là do các hoạt động du lịch, tàu thuyền hoạt động trên biển thải ra...

Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, bên cạnh hoàn thiện chính sách, Việt Nam cũng cần tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới, chuyển giao công nghệ và thiết lập một cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp, cơ quan Chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Các cấp chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt những chương trình, hành động, nhân rộng mô hình, cách làm hay về giảm thiểu rác thải nhựa, biến rác thải nhựa thành tài nguyên tại địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố ven biển; khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

LA DUY (ghi)

--------

Già làng Rơ Lan HLêt, làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai:

Tiếp tục quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày hôm nay, già và một số hộ gia đình ở làng Klăh xem ti vi, nghe đài tường thuật phiên chất vấn của Quốc hội. Đồng bào và cử tri làng Klăh phấn khởi, tin tưởng lắm. Mọi người thấy Quốc hội và các thành viên Chính phủ đã thể hiện một tinh thần vì nước, vì dân. Nhiều vấn đề thực tiễn, nổi cộm ở địa phương được làm sáng tỏ với những nguyên nhân rất cụ thể và có giải pháp, cách làm hay trong thời gian tới.

Cử tri và đồng bào làng Klăh mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Có cơ chế, chính sách và những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương, không đánh đồng, cào bằng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế; được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế tiên tiến, hiện đại. Không nên cắt ngay các khoản hỗ trợ khi địa phương vừa mới đạt chuẩn nông thôn mới, hộ gia đình mới thoát nghèo, mà phải có lộ trình để giúp địa phương và nhân dân phát triển, đi lên một cách bền vững hơn.

ANH SƠN (ghi)

------------

Cử tri Đỗ Thị Bích Lan, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội:

Giải tỏa căng thẳng tình trạng thiếu trường, thiếu lớp

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri rất mừng vì nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới vấn đề giáo dục. Trong phần trả lời của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có nhấn mạnh tới quan điểm: Đầu tư cho giáo dục-đào tạo, văn hóa, xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.

Vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm đó là cần có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội. Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đã tạo nên sự quá tải tại các trường công lập, gây áp lực cho tuyển sinh các cấp, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nếu như trước đây chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội khoảng 60-62% thì năm 2023 giảm còn gần 56%. Có nghĩa là chỉ 56% học sinh Hà Nội có suất vào trường THPT công lập năm học 2023-2024. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho phụ huynh và học sinh khi bước vào kỳ thi tuyển sinh.

Có thể thấy, tình trạng thiếu trường lớp ở các cấp học, bậc học của Hà Nội đã xảy ra nhiều năm. Cử tri đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét lại việc quy hoạch trường lớp, rà soát quỹ đất dành cho công trình giáo dục; bố trí vốn để cải tạo, xây mới công trình giáo dục... nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, tăng tỷ lệ học sinh vào trường công lập.

NAM TRỰC (ghi)

----------

Ông Trương Văn Tuấn, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương:

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tôi rất đồng tình về việc chúng ta cần tiếp tục tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), kinh tế hợp tác (KTHT). Chúng ta chỉ có thể xây dựng nông thôn mới thành công, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững khi KTTT, KTHT được đẩy mạnh và phát triển. Không xây dựng, phát triển KTTT, KTHT, trong đó các hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt sẽ rất khó huy động được nguồn lực từ đất đai, vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Sẽ không thể xây dựng được nền nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường nếu thiếu sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa nông dân-hợp tác xã, doanh nghiệp. Thiếu liên kết còn dẫn đến mù mờ về sản xuất, mù mờ về thị trường, dẫn đến thừa, thiếu nông sản.

Vì thế, tôi mong cần sớm có cơ chế, chính sách cụ thể để làm “bà đỡ” cho KTTT, KTHT phát triển. Quá trình xây dựng kinh tế nói chung, KTTT trong nông nghiệp nói riêng chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khi những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp được tháo gỡ sẽ giúp KTTT phát triển bền vững, giúp nông nghiệp Việt Nam thời gian tới nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước.

NGUYỄN KIỂM (lược ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/y-kien-cu-tri-750497