Ý kiến của Bộ Y tế về cách chữa bệnh tay chân miệng của Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải

Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur Nha Trang cùng các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu phương pháp chữa bệnh tay chân miệng bằng nước ozone. Trong thời gian sớm nhất kết quả sẽ được Hội đồng Khoa học của Bộ nghiệm thu và Bộ Y tế sẽ có kết luận chính thức về vấn đề này.

Phó Cục trưởng Cục QLKCB Trần Quý Tường. Ảnh: Chinhphu.vn

Hôm nay (22/11), phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QLKCB), Bộ Y tế Trần Quý Tường xung quanh việc chữa bệnh tay chân miệng bằng nước ozone.

Vừa qua Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế có cuộc họp thẩm định về phương pháp chữa bệnh tay chân miệng bằng nước ozone, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này, thưa ông?

Phó Cục trưởng Cục QLKCB Trần Quý Tường: Bộ Y tế cũng như Cục QLKCB luôn hoan nghênh và sẵn sàng đón nhận những phát minh, sáng kiến của các nhà khoa học không chỉ trong ngành y tế mà trong toàn xã hội về đề xuất nghiên cứu, phát minh cũng như có những phương pháp mới, kỹ thuật mới, thuốc mới trong khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bởi y tế là ngành nghề đặc biệt, liên quan trực tiếp tới tính mạng con người nên mỗi phương pháp mới, kỹ thuật mới hay thuốc mới để khám chữa bệnh cho người dân đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ở đây, Luật khám, chữa bệnh được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 đã chỉ rất rõ, mọi tổ chức, cá nhân có kỹ thuật mới, phương pháp mới đều được đón nhận và áp dụng ở Việt Nam nhưng phải được thông qua Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế, Sở Y tế tùy vào mức độ.

Với đề tài của Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải cũng nằm trong tinh thần chung như vậy, Bộ Y tế hoan nghênh Tiến sỹ Khải đã tâm huyết, có sáng kiến và ngày đêm tìm tòi những biện pháp, thuốc mới cùng với ngành y tế hướng đến mục tiêu giúp chữa bệnh tay chân miệng có hiệu quả, làm giảm tỷ lệ mắc và hạn chế đến mức tối thiểu tử lệ tử vong.

Tuy nhiên vẫn phải tuân theo quy trình của Luật đã quy định, mục đích tối thượng là đảm bảo tuyệt đối tính mạng của người dân, chúng ta không thể để người dân Việt Nam trở thành vật thí nghiệm cho bất kỳ một phương pháp mới, kỹ thuật mới nào mà phải rất thận trọng vì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Do đó, phải có Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ xem xét, thẩm định, quy định các bước triển khai thí điểm như thế nào.

Tại cuộc họp Hội đồng Khoa học Bộ Y tế do Cục QLKCB đề xuất, Bộ Y tế đề nghị phải xây dựng đề cương nghiên cứu để thẩm định chính thức. Hiện nay chưa có thẩm định chính thức thì không được áp dụng rộng rãi. Bệnh tay chân miệng do virus xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường ruột, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp sau đó phá hủy sức đề kháng của cơ thể, về cơ chế sinh bệnh, các thuốc và phác đồ điều trị đã rõ.

Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur Nha Trang đánh giá và thẩm định phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng của Tiến sỹ Khải, xin ông cho biết đã có kết quả chính thức chưa?

Phó Cục trưởng Cục QLKCB Trần Quý Tường: Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur Nha Trang cùng các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu phương pháp này. Trong thời gian sớm nhất kết quả sẽ được Hội đồng Khoa học của Bộ nghiệm thu và Bộ Y tế sẽ có kết luận chính thức về vấn đề này.

Ông có lời khuyên nào đối với người dân về phòng chống bệnh tay chân miệng khi chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị đặc hiệu, thưa ông?

Phó Cục trưởng Cục QLKCB Trần Quý Tường: Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối tính mạng an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế đề nghị người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, tích cực và chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ em, cho bản thân mình và cho người thân. Khi bị bệnh thì đến cơ sở y tế điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 2003 tại một số tỉnh phía Nam và bùng phát từ tháng 5/2011 rồi nhanh chóng lam rộng ra 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Bệnh được ghi nhận nhiều nhất là tháng 9, tháng 11/2011 đang có xu hướng giảm.

Tính đến ngày 15/11/2011, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63/63 tỉnh, thành phố; đã có 153 trường hợp tử vong tại 28 địa phương. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 3 tuổi chiếm 86%, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 91%. Trẻ em nam chiếm 61% và trẻ nữ chiếm 39%. Trong các ca tử vong, trẻ em nam từ 0 – 3 tuổi chiếm 82%, từ 3 – 5 tuổi tuổi chiếm 98%.

Mai Chi

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/y-kien-cua-bo-y-te-ve-cach-chua-benh-tay-chan-mieng-cua-tien-sy-nguyen-van-khai/201111/103010.vgp