Ý kiến trước thềm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV
LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Nhân dịp này, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng về Đại hội với niềm tin và sự kỳ vọng trên tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững.
LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Nhân dịp này, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng về Đại hội với niềm tin và sự kỳ vọng trên tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững.
Chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Hà Công Thuần
Chủ tịch UBND xã Bao La, huyện Mai Châu
Thời gian qua, để làm tốt công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Bao La quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, nghị quyết, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện cho bà con có thêm kiến thức để phát triển kinh tế; cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm vận động, khuyến khích ĐBDTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, xã quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật; quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp lễ, Tết, khi đau ốm, gặp khó khăn được thực hiện thường xuyên. Cấp phát kịp thời, đầy đủ các ấn phẩm báo, tạp chí giúp ĐBDTTS nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, vươn lên thoát nghèo...
Có thể nói, từ thực hiện chính sách dân tộc, đời sống ĐBDTTS ở xã Bao La ngày càng được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng/năm. Người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đại hội là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sùng A Sía
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pà Cò, huyện Mai Châu
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là sự kiện chính trị quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.
Trong những năm qua, đồng bào Mông xã Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền với nhiều chương trình, dự án thiết thực góp phần nâng cao đời sống người dân. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, kinh tế có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế trong sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Chính vì vậy, tôi kỳ vọng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024 sẽ là diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Bàn Sinh Lương
Người có uy tín tổ 9, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình
Tổ 9, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) có 183 hộ, trong đó bà con dân tộc Dao chiếm 95%. Trước khi đổi tên, tổ 9 có tên gọi là xóm Đồng Chụa. Đến nay, chúng tôi đã có gần 50 năm về định cư tại Đồng Chụa. Những ngày đầu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong xóm. Từ khi có điện, đường giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho bà con giao lưu hàng hóa. Đặc biệt nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Ngày trước, bà con khó khăn trong phát triển kinh tế vì thiếu vốn. Khi được Nhà nước cho vay vốn, các hộ đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vì thế thu nhập được cải thiện.
Từ một xóm khó khăn, đến nay, trong tổ không còn hộ nghèo, mà chỉ có 2 hộ cận nghèo. Bên cạnh phát triển kinh tế, bà con luôn có ý thức giữ gìn các phong tục, tập quán của dân tộc. Hiện tuyến đường giao thông đang được mở rộng, các hạ tầng thiết yếu cũng được quan tâm đầu tư nên người dân rất phấn khởi. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như hỗ trợ bà con bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Khơi dậy niềm đam mê dám nghĩ, dám làm của phụ nữ dân tộc thiểu số
Bùi Thị Mơ
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn
Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng lao động quan trọng trong phát triển KT-XH. Do hoàn cảnh, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có tâm lý tự ti, sống phụ thuộc, không có tiếng nói trong cộng đồng, không làm chủ được kinh tế gia đình.
Là người con của đồng bào dân tộc thiểu số, tôi mong muốn đóng góp sức lực của mình khơi dậy niềm cảm hứng cho phụ nữ dân tộc thiếu số sống hết mình với ước mơ và khát vọng của chị em. Đồng thời, tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, làm chủ cuộc sống. Từ đó, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ trên hành trình khởi nghiệp. Tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân và có cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội.
Định hướng phát triển kinh tế bền vững cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lường Văn Tuyên
Phó Bí thư Đoàn xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc
Sinh ra và lớn lên tại xã đặc biệt khó khăn nhưng giàu truyền thống, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tôi cũng như nhiều đoàn viên, thanh niên luôn khao khát tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng nhiều mô hình sinh kế mới. Bước đầu có những mô hình mang lại hiệu quả tích cực, giúp thanh niên vùng dân tộc có thêm động lực làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giải quyết một số vấn đề tại địa phương như tạo nguồn lao động trẻ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế...
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động sản xuất của bản thân, tôi thấy các mô hình khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của thanh niên chưa bền vững. Vì thế, chúng tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng các mô hình kinh tế với định hướng phát triển bền vững cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc của tỉnh, đặc biệt là huyện vùng cao Đà Bắc. Bởi chỉ có phát triển kinh tế bền vững mới giúp thanh niên gắn bó với quê hương, đóng góp xây dựng quê hương phát triển.