Ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới xung quanh

Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông chuyên, Đại học Vinh, yêu cầu học sinh bàn về ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới xung quanh.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả đặc điểm của cỏ dại trong đoạn trích: quen nắng mưa, không giết được, mùa nước dâng cỏ ngập trước, khi nước rút cỏ mọc đầu tiên.

Câu 2. Nội dung chủ đạo của đoạn thơ: Bài thơ viết về những cây cỏ dại gần gũi, quen thuộc nơi quê hương, hình ảnh cỏ dại là ẩn dụ cho sức sống mãnh liệt của quê hương đồng thời bộc lộ nỗi nhớ thương, niềm mong mỏi trở về quê nhà của những chiến sĩ trẻ.

Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng: biện pháp tu từ đối. Nhấn mạnh sức sống mãnh liệt, sự nhỏ bé mà kiên cường của loài cỏ.

Câu 4. Tình yêu quê hương mãnh liệt đi kèm với đó là sự tự hào về sức sống mãnh liệt, kiên cường của quê hương nhỏ bé. Tình yêu quê hương được thể hiện qua nỗi nhớ, niềm mong mỏi trở về quê hương của tác giả.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới xung quanh.

- Thay đổi cách nhìn nhận sẽ mang đến một góc nhìn khác về sự vật, sự việc. Đôi khi sự thay đổi góc nhìn sẽ mang đến những tác dụng tích cực.

- Thay đổi cái nhìn giúp con người hình thành góc nhìn đa chiều đối với bất kì sự vật, sự việc nào.

- Thay đổi cái nhìn nhiều khi có thể thay đổi cả cuộc đời con người. Thay đổi cái nhìn chính giúp bạn gạt bỏ đi sự tiêu cực, độc đoán, phán xét hướng con người đến những điều tích cực trong cuộc sống. Từ đó giúp cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.

Câu 2. Cảm nhận về đoạn trích "Đất Nước", từ đó, chỉ ra chất trữ tình – chính luận của thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

* Cảm nhận đoạn trích

- "Trong anh và em hôm nay/ Đều có 1 phần Đất Nước." Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, Đất nước, quê hương, tổ quốc, dân tộc... luôn là những khái niệm trừu tượng.Với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước trong mỗi một con người, đất nước trong ta: trong anh và em .. Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm.

Hay nói cách khác, đất nước không chỉ là không gian địa lý, thời gian lịch sử, chiều sâu văn hóa, tồn tại bên ngoài, đất nước còn là một phần trong anh, trong em, trong tất cả chúng ta. Chính chúng ta – là một phần làm nên Đất nước.

"Khi hai đứa cầm tay/ Đất Nước hài hòa nồng thắm/ Khi chúng ta cầm tay mọi người/ Đất Nước vẹn tròn to lớn." Đây là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa mỗi một con người với Đất nước. Điều đó càng khẳng định thêm, sống trong Đất nước, chính là một phần Đất nước, do đó, mỗi cá nhân không thể chỉ biết ích kỷ sống cho riêng mình.

- "Em ơi em/ Đất Nước là máu xương của mình". "Đất Nước là máu xương của mình": Máu xương là sự sống. Đất nước là máu xương có nghĩa là Đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hi sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho sự sống còn của Đất nước.

- "Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời." Đất nước là điều thiêng liêng mà giản dị, vì thế mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, là kết nối. Từ sự gắn bó ấy mới có thể san sẻ. San sẻ niềm vui, nỗi buồn, san sẻ cho nhau từng công việc, trách nhiệm, từ nhỏ đến lớn lao.

- Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hóa thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời chiến, dâng hiến là quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Thời bình, người ta dâng hiến sức lực, mồ hôi để đất nước thịnh cường, vẻ vang, và thêm giàu đẹp.

* Chất trữ tình chính luận trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm

- Tính chính luận để thể hiện trong đoạn trích Đất Nước: Thức tỉnh ý thức dân tộc của mỗi người dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh vùng đô thị miền Nam để phá tan âm mưu của Mỹ

- Khẳng định tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân". Đất Nước được cảm nhận một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ từ nhiều góc độ: Văn hóa, lịch sử, con người, địa lí,… Giúp mỗi người dân thấm sâu lòng yêu nước, thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước.

- Tính trữ tình được thể hiện đậm nét trong đoạn thơ:

+ Tấm lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc chi phối toàn bộ cảm hứng nghệ thuật của tác giả.

+ Yêu nước chính là yêu văn hóa, thiên nhiên, con người lao động – chủ nhân của lịch sử đất nước. Niềm tự hào sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp do nhân dân sáng tạo nên. Bộc lộ cách cảm, một giọng điệu riêng rất Nguyễn Khoa Điềm.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/y-nghia-cua-viec-thay-doi-cach-nhin-nhan-danh-gia-ve-the-gioi-xung-quanh-179240617121801473.htm