Thủ ngự: Chức quan ở Tây Nguyên xưa ít người biết

Theo cuốn 'Tìm hiểu quan chức nhà Nguyễn' của tác giả Trần Thanh Tâm do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành thì 'thủ ngự' là chức quan đứng sau tuần ty, đóng đồn coi giữ việc thu thuế ở đầu sông, đầu nguồn miền núi.

Chức này thời Vua Gia Long có tên là “hiệp thủ”, đến năm Minh Mạng thứ 13 thì đổi thành “thủ ngự”. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng chức vụ này đã có từ những năm đầu triều Vua Gia Long.

Ở làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) hiện vẫn còn dấu tích một giếng nước cổ có tên là “Giếng Thu Ngư”. Theo ông Đinh Klum, một bậc cao niên thì giếng này là do nghĩa quân Tây Sơn khơi. Còn Thu Ngư là ai, vì sao lại được đặt tên cho giếng thì có người cho rằng, đó là tên của một phụ nữ đã làm công việc nấu cơm cho nghĩa quân.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây là tên gọi của một chức quan có tên là “thủ ngự”, do việc nói sai dấu của đồng bào Bahnar đã trại thành “thu ngư”. Nhiều tài liệu của người Pháp cũng chép thành “thu ngư” do việc nói sai dấu này.

Ở làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) hiện vẫn còn dấu tích một giếng nước cổ có tên là “Giếng Thu Ngư”. Ảnh Nhật Hào

Ở làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) hiện vẫn còn dấu tích một giếng nước cổ có tên là “Giếng Thu Ngư”. Ảnh Nhật Hào

Tây Nguyên, đặc biệt Bắc Tây Nguyên xưa là xứ sở giàu có: sừng tê, lộc nai, ngà voi, sáp ong, trầm hương… và đặc biệt quế tự nhiên (quế trời) là những loại lâm-thổ sản có số lượng lớn và có giá trị thương mại rất cao. Điều này đã thu hút giới thương lái mọi miền tới đây buôn bán.

Từ thời các chúa Nguyễn, thương mại cao nguyên đã là một nguồn thu lớn. Trước năm 1887, việc thu thuế được giao khoán cho quan thủ ngự. Để đảm đương công việc được giao, dưới thủ ngự được biên chế thêm các viên phó và nhân viên làm công việc trưng thuế, vận chuyển hàng hóa. Lợi dụng vai trò của mình, thủ ngự và các viên phó thường “chân trong chân ngoài” trong công việc nhà nước: Họ cho phép một số người thân tín của mình được buôn bán độc quyền trong một vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi lại, những người này sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa của họ để thu lợi riêng.

Từ năm 1888, việc trưng thu thuế tại các khu vực Bắc Tây Nguyên không còn do các thủ ngự đảm nhận nữa. Việc tăng thuế của triều Nguyễn đã khiến đồng bào dân tộc thiểu số bất bình nổi dậy chống đối. Với sự ra đời của sơn phòng-một tổ chức phòng ngự quân sự miền núi và áp dụng một bộ máy cai trị riêng cho khu vực này, các chánh tổng nguồn và phó tổng nguồn sẽ thay thế cho vai trò của thủ ngự trước đây. Về mặt hành chính, các chánh tổng nguồn nằm dưới quyền của chánh tổng và sở lỵ hành chính của viên này gọi là “sở”.

Theo ghi chép của một người Pháp tên là Durand thì mỗi tổng nguồn gồm 2-3 khu, đứng đầu là các đầu mục người dân tộc thiểu số. Mỗi đầu mục điều hành nhiều sách trưởng (làng). Mỗi sách trưởng được giao cai quản một số người phải đóng thuế. Thuế được thu vừa bằng tiền vừa hiện vật. Tuy nhiên, các tổng nguồn không trực tiếp thu mà cho các lái buôn thầu lại. Đổi lại, cánh lái buôn được trả công bằng quyền được tự do buôn bán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tình trạng này kéo dài cho đến năm 1898. Sau khi đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên, thực dân Pháp đã bãi bỏ các loại thuế thu bằng hiện vật, bãi bỏ các tầng nấc trung gian để tổ chức bộ máy riêng của chúng, nhằm trực tiếp vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của Tây Nguyên.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thu-ngu-chuc-quan-o-tay-nguyen-xua-it-nguoi-biet-post282775.html