Ý nghĩa của việc ứng xử nhân văn trước những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Câu nghị luận xã hội đề thi thử Ngữ văn tỉnh Thái Bình yêu cầu học sinh bàn về ý nghĩa của việc ứng xử nhân văn trước những hoàn cảnh khó khăn.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm.

Câu 2. Các từ ngữ, hình ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh trong đoạn thơ: mùi cỏ cháy, ngôi sao rơi, dãy kẽm gai dài, không tiếng gà cất gáy, cỏ cháy rát hoàng hôn.

Câu 3. Nội dung hai dòng thơ: Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé/ Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay: Thể hiện tình yêu đất nước cháy bỏng, mãnh liệt của người lính: khi đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm của "đạn xé" nơi chiến trường hay cả lúc hi sinh, tiếng "Tổ quốc" lúc nào cũng bật lên trên bờ môi và in sâu trong tâm trí họ.

+ Qua đó, tác giả bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng, ngợi ca, tôn vinh những người lính đã dũng cảm chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Câu 4. Học sinh bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc: Cần nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển nước nhà.

Tích cực học tập và rèn luyện bản thân, lao động và sáng tạo, tham gia các hoạt động tình nguyện, xung kích, đoàn kết, thống nhất... vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của việc ứng xử nhân văn trước những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống: Ứng xử nhân văn giúp người gặp khó khăn được chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần; từ đó dễ dàng vượt qua những thử thách, trở ngại; có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống.

Người ứng xử nhân văn sẽ nâng cao giá trị của bản thân, được mọi người tin yêu, quý trọng. Ứng xử nhân văn là cơ sở cho việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong gia đình, ngoài xã hội; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống đạo lí quý báu của dân tộc (đoàn kết, tương thân tương ái, thủy chung, tình nghĩa...).

Cần có thái độ phê phán, lên án cách ứng xử thiếu nhân văn với con người, nhất là với những người yếu thế, neo đơn, kém may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà trong đoạn trích; từ đó, nhận xét nét tài hoa, uyên bác trong nghệ thuật viết tùy bút của Nguyễn Tuân.

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà và đoạn trích

* Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn trích:

- Dáng hình: miên man, bất tận, căng tràn sức sống; mềm mại, uyển chuyển mà vẫn không mất đi sự hùng vĩ, lớn lao (Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình … cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân).

- Sắc nước: biến ảo, thay đổi theo mùa (mùa xuân dòng xanh màu ngọc bích chứ không xanh canh hến...; mùa thu nước sông lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa…); ánh nắng lấp loáng vừa gợi chất cổ kính vừa trẻ trung, hồn nhiên (loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt rồi bỏ chạy; cái miếng sáng lóe lên màu nắng tháng ba Đường thi.

- Bờ bãi: hoang sơ nhưng thần tiên, giàu sự sống, tràn ngập sắc màu (chuồn chuồn bươm bướm bay trên Sông Đà).

- Sông Đà gợi cảm như một cố nhân, khơi dậy bao niềm thương nhớ; những trạng thái thất thường của sông nước vừa gần gũi, thân thiết, vừa cá tính, độc đáo (lắm chứng nhiều bệnh, chốc dịu dàng, chốc lại bẳn tính và thác lũ gay gắt); niềm vui sướng, hạnh phúc vô ngần khi gặp lại dòng sông tươi mới, kì diệu (cảm giác đằm đằm ấm ấm; Vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, như nối lại chiêm bao đứt quãng).

- Về nghệ thuật: Ngôn ngữ phong phú, tinh tế, tài hoa, giàu chất thơ. Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, sử dụng điệp từ, điệp ngữ, những liên tưởng mới mẻ, sáng tạo, độc đáo.

Nhận xét nét tài hoa, uyên bác trong nghệ thuật viết tùy bút của Nguyễn Tuân:

- Nét tài hoa, uyên bác thể hiện qua: vốn hiểu biết phong phú trên nhiều lĩnh vực; tiếp cận sông Đà dưới nhiều góc độ (thời gian, không gian địa lí và nhất là văn hóa thẩm mĩ); sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, vốn từ phong phú, lời văn giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, lối liên tưởng so sánh thú vị.

- Tạo nên phong cách nghệ thuật tùy bút độc đáo, mới mẻ, ấn tượng của Nguyễn Tuân; đóng góp vào sự phát triển của thể loại tùy bút.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/y-nghia-cua-viec-ung-xu-nhan-van-truoc-nhung-hoan-canh-kho-khan-trong-cuoc-song-179240531210038973.htm