Ý nghĩa đặc biệt từ Chiến thắng Đồng Xoài

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của Chiến dịch Đồng Xoài (từ tháng 5 đến 7-1965) không chỉ góp phần đánh bại chiến lược 'chiến tranh đặc biệt' của Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành mới về trình độ tổ chức chuẩn bị chiến dịch, tác chiến tập trung, khả năng hiệp đồng trong tác chiến vận động của các LLVT miền Nam mà còn để lại những bài học quý có ý nghĩa đặc biệt trong thực tiễn sau này.

Đầu năm 1965, sau thắng lợi của ta trong Chiến dịch Bình Giã, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, tinh thần quân đội Sài Gòn sa sút nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, tháng 3-1965, Mỹ lần lượt đưa quân viễn chinh và đồng minh vào thực hành chiếm đóng một số khu vực quan trọng có giá trị về mặt chiến lược nhằm tạo ra thế chiến lược mới để giành quyền chủ động trên chiến trường. Tại Đồng Xoài (tỉnh Phước Long, nay là tỉnh Bình Phước), địch tổ chức thành căn cứ xuất phát của cuộc hành quân càn quét, đánh phá các căn cứ của ta dọc biên giới Việt Nam-Campuchia.

 Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho chiến dịch. Ảnh tư liệu

Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đi khảo sát thực địa chuẩn bị cho chiến dịch. Ảnh tư liệu

Về phía ta, bước sang mùa hè năm 1965, Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương mở Chiến dịch Đồng Xoài, thực hiện tiến công địch trên địa bàn các tỉnh Phước Long, Bình Long và phía bắc tỉnh Bình Dương, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân chủ lực tinh nhuệ của địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phá “ấp chiến lược”, đồn, bốt, giải phóng nhân dân, mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chiến dịch, ta gặp khó khăn nhất định do thời gian chuẩn bị ngắn, lại phải đồng thời tiến hành nhiều công việc như chỉnh huấn, chỉnh quân, vừa phải tích cực chuẩn bị chiến trường và công tác bảo đảm. Bên cạnh đó, trình độ kỹ, chiến thuật, đặc biệt là kỹ, chiến thuật đánh công kiên của ta còn hạn chế; cơ quan chỉ huy chiến dịch chưa có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy, chỉ đạo ở cấp chiến dịch. Tuy nhiên, với phương châm: Đánh có chuẩn bị, đánh chắc thắng, đánh nhanh, đánh mạnh, tiêu diệt gọn, giải quyết nhanh, di chuyển nhanh, bảo đảm bí mật, bất ngờ, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; với tư tưởng chỉ đạo chiến dịch “Đánh điểm, diệt viện”, đánh địch ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ, đổ bộ đường không, sau hơn hai tháng chiến đấu, với 3 đợt triển khai thực hành chiến dịch, ta đã đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn bộ binh địch, 1 tiểu đoàn dù, 1 chi đội thiết giáp. Về tổng thể, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 4.460 tên địch; phá hủy 60 xe quân sự các loại; 34 máy bay trực thăng, thu 1.652 súng và giải phóng 56.000 dân, phá 56 “ấp chiến lược” ở khu vực tác chiến, 20 “ấp chiến lược” ở khu vực phối hợp, giành quyền kiểm soát các tuyến đường giao thông quan trọng trong khu vực. Thắng lợi của chiến dịch từng bước đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương; củng cố niềm tin vào sức mạnh của bộ đội chủ lực Miền; đặc biệt làm cho tình hình địch càng thêm rối loạn. Cùng với thắng lợi của các chiến dịch của ta ở Dương Liêu, Đèo Nhông, Ba Gia… Chiến dịch Đồng Xoài góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từng bước đưa chúng lún sâu vào bị động và thất bại thảm hại sau đó.

Đã 55 năm trôi qua, nhưng đến nay, Chiến thắng Đồng Xoài vẫn có ý nghĩa đặc biệt, giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Một trong những bài học quan trọng đó là, cần nắm chắc, phân tích, đánh giá đúng tình hình và âm mưu, ý định của địch để dự báo chính xác các tình huống. Cùng với đó, phải làm tốt công tác chuẩn bị, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở từng địa bàn và trên cả nước. Trong đó lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm yếu tố căn bản, là cơ sở để huy động sức mạnh của toàn dân.

Chiến thắng Đồng Xoài cũng để lại bài học quý về điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, các địa bàn chiến lược, nhằm không ngừng nâng cao năng lực phòng thủ đất nước. Giai đoạn hiện nay, Quân đội ta cần thực hiện tốt công tác dân vận; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Ngoài ra, phải xây dựng thế trận chiến tranh một cách linh hoạt, hiệu quả, bố trí lực lượng hợp lý nhằm bảo đảm ở đâu cũng có LLVT làm nòng cốt cho toàn dân tham gia đánh giặc với mọi thứ vũ khí, trang bị, đánh địch mọi nơi, mọi lúc, làm cho đối phương luôn phải phân tán lực lượng để đối phó. Cần phát huy mọi cách đánh sáng tạo, linh hoạt của LLVT và của quần chúng nhân dân, tận dụng thế mạnh của các địa phương, của các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất. Đồng thời, cần có kế hoạch huấn luyện toàn diện về việc đánh trả các loại vũ khí công nghệ cao, sát thương hàng loạt của địch, không để bị động, bất ngờ, SSCĐ thắng lợi trong mọi tình huống.

Trung tá, ThS LÊ MẠNH TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/y-nghia-dac-biet-tu-chien-thang-dong-xoai-626726