LHQ: Xung đột và thiếu kinh phí cản trở tiền trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững

Phát biểu trong một cuộc họp ở New York (Mỹ) ngày 28/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng xung đột và thiếu hụt kinh phí đang cản trở tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ, bao gồm cả hành động chống biến đổi khí hậu.

 Thế giới chỉ còn 6 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Thế giới chỉ còn 6 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Theo báo cáo được công bố tại cuộc họp, khi thế giới chỉ còn 6 năm nữa để đạt được các SDGs theo kế hoạch đã đề ra thì tiến độ toàn cầu hiện nay là chưa đủ, với chỉ 17% mục tiêu đang đi đúng hướng.

Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2024 của LHQ nhấn mạnh rằng gần một nửa trong số 17 mục tiêu chỉ đang tiến bộ ở mức tối thiểu hoặc vừa phải, trong khi hơn 1/3 bị đình trệ hoặc thụt lùi, kể từ khi các mục tiêu này được các quốc gia thành viên LHQ thông qua vào năm 2015 nhằm mang lại hòa bình và thịnh vượng con người và hành tinh.

Những trở ngại lớn

Báo cáo xác định những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột leo thang, căng thẳng địa chính trị và tình trạng hỗn loạn ngày càng trầm trọng về khí hậu là những trở ngại lớn cho những tiến bộ trong quá trình hướng tới các SDGs.

LHQ cho biết đến năm 2022, đã có thêm 23 triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực và hơn 100 triệu người nữa phải hứng chịu nạn đói so với năm 2019, trong khi số dân thường thiệt mạng trong xung đột vũ trang cũng tăng vọt trong năm 2023. Đồng thời, năm 2023 cũng là năm ấm nhất được ghi nhận, với nhiệt độ toàn cầu tăng gần ngưỡng tới hạn 1,5°C.

Ưu tiên khẩn cấp

Tại cuộc họp, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nêu rõ “chúng ta không được từ bỏ cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt nghèo đói, bảo vệ hành tinh và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ đó, LHQ nêu ra những ưu tiên chính cần giải quyết, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tài trợ cho phát triển. Được biết, mức thiếu hụt đầu tư cho SDGs ở các nước đang phát triển hiện khoảng 4.000 tỷ USD/năm. Do đó, điều quan trọng là phải nhanh chóng tăng nguồn tài trợ và không gian tài chính, cũng như cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để giải phóng nguồn vốn.

Ngoài ra, giải quyết xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao cũng quan trọng không kém. Với gần 120 triệu người buộc phải di dời tính đến tháng 5/2024 và thương vong dân sự tăng 72% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023, nhu cầu hòa bình đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Song song đó, việc tăng cường thực hiện các mục tiêu là hết sức cần thiết. Các khoản đầu tư lớn và quan hệ đối tác hiệu quả là rất quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong các lĩnh vực cốt yếu như thực phẩm, năng lượng, bảo trợ xã hội và kết nối kỹ thuật số.

Những vấn đề đáng quan tâm

Bên cạnh những vấn đề nói trên, báo cáo SDGs 2024 cũng nêu bật những thách thức kinh tế nghiêm trọng, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở một nửa số quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới đang chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến.

Được biết năm 2022, gần 60% các quốc gia phải đối mặt với giá lương thực cao bất thường, làm trầm trọng thêm nạn đói và mất an ninh lương thực.

Báo cáo cũng đề cập đến sự bất bình đẳng giới, lưu ý rằng 55% trong số 120 quốc gia được khảo sát thiếu luật cấm phân biệt đối xử với phụ nữ.

Cũng theo báo cáo, giáo dục là một mối quan tâm đáng kể khi chỉ có 58% học sinh trên toàn thế giới đạt được trình độ đọc hiểu tối thiểu vào cuối bậc tiểu học.

Đồng thời, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đạt mức thấp lịch sử 5% vào năm 2023, nhưng vẫn tồn tại nhiều trở ngại trong việc đạt được việc làm bền vững ở tất cả các xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, thế giới cũng chứng kiến những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tốc độ tăng trưởng 8,1% hàng năm trong 5 năm qua. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể, với khả năng tiếp cận băng thông rộng di động (3G trở lên) tăng lên đến 95% dân số thế giới, từ mức 78% vào năm 2015.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/lhq-xung-dot-va-thieu-kinh-phi-can-tro-tien-trinh-huong-toi-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-142533.html