Ý nghĩa màn cởi áo ăn mừng của nữ cầu thủ tuyển Anh

Không chỉ thể hiện cảm xúc mãnh liệt, giải tỏa tinh thần, hành động cởi áo ăn mừng của cầu thủ Chloe Kelly còn mang ý nghĩa về nữ quyền.

Tại trận chung kết World Cup nữ 1999 giữa tuyển Mỹ và Trung Quốc, hai đội phải nhờ đến loạt đá luân lưu để phân định thắng thua. Khi đó, Brandi Chastain là cầu thủ ghi bàn thắng quyết định, góp phần mang về chức vô địch cho đội chủ nhà.

Nữ cầu thủ còn gây sốc khi cởi áo đấu ăn mừng, quỳ xuống sân hét lên sung sướng. Khoảnh khắc này được New York Times gọi là "bức ảnh mang tính biểu tượng nhất từng được chụp về một nữ vận động viên".

Hơn 20 năm sau, Chloe Kelly, nữ cầu thủ tuyển Anh, tái hiện pha ăn mừng này sau khi lập công ấn định chiến thắng cho "Tam sư" trước Đức trong trận chung kết Euro 2022 và nhận thẻ vàng "vui nhất lịch sử", theo Independent.

"Hình ảnh một phụ nữ cởi áo ngoài, chỉ còn chiếc áo ngực thể thao có ý nghĩa thật lớn. Đây là cơ thể một phụ nữ - không phải về tình dục hay phô diễn - mà chỉ là niềm vui về những gì cô ấy có thể làm và sức mạnh, kỹ năng mà cô ấy có. Tuyệt vời", bình luận lan truyền trên mạng xã hội của nhà văn Lucy Ward về màn ăn mừng của Kelly.

 Cầu thủ Chloe Kelly cởi áo ăn mừng sau khi ghi bàn ấn định chiến thắng cho tuyển Anh trong trận đấu ngày 31/7. Ảnh: Reuters.

Cầu thủ Chloe Kelly cởi áo ăn mừng sau khi ghi bàn ấn định chiến thắng cho tuyển Anh trong trận đấu ngày 31/7. Ảnh: Reuters.

Giống như những cầu thủ trước, ngay sau khi được xác nhận bàn thắng hợp lệ, Kelly phấn khích và thể hiện cảm xúc theo tự nhiên.

Lý giải sự "tự nhiên" ở kiểu hành động này, nhà nghiên cứu Desmond Morris viết trong cuốn The Soccer Tribe rằng việc cởi bỏ áo dường như đại diện cho sự giải tỏa cảm xúc dồn nén.

Philip Furley, học giả, tác giả một số bài báo về ngôn ngữ cơ thể trong bóng đá, chỉ ra rằng những trường hợp cởi áo ăn mừng nổi tiếng có xu hướng xảy ra khi bàn thắng đó chấm dứt khoảng thời gian cực kỳ áp lực về tinh thần.

Ví dụ, Kelly đã giúp đội bóng của mình dẫn trước khi trận đấu chỉ còn lại vài phút, qua đó lên ngôi vô địch trên sân nhà. Cảm giác ấy còn mạnh mẽ hơn khi cô vừa bình phục sau chấn thương dây chằng chéo có thể đe dọa đến sự nghiệp.

"Các cầu thủ đã nỗ lực rất nhiều để giành được điều đó. Cũng có thể hành động ấy là biểu hiện của sự nhẹ nhõm".

 Pha ăn mừng của Brandi Chastain năm 1999 trở thành một trong những biểu tượng về bình đẳng giới. Ảnh: AFP.

Pha ăn mừng của Brandi Chastain năm 1999 trở thành một trong những biểu tượng về bình đẳng giới. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Furley đoán một nguyên nhân phổ biến khác của việc cởi áo là sự thôi thúc muốn khoe vóc dáng. Các cầu thủ đôi khi phải nhận thẻ vàng vì hành động này - được FIFA quy định từ năm 2004 - và xem đây là một hình phạt có thể chấp nhận được.

"Hành động đó cho thấy cơ thể họ săn chắc như thế nào, rằng họ đã đạt được điều gì đó rất tuyệt vời", ông Furley nói.

Sự thôi thúc này thể hiện rõ ràng hơn ở một số cầu thủ so với những người khác. Ví dụ, trong một màn ăn mừng, Cristiano Ronaldo chạy đến máy quay gần nhất, phô diễn cơ bắp hoàn hảo của mình trước các khán giả. Tuy nhiên, hành vi giống như Ronaldo có thể phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.

"Dường như nó vẫn còn là một điều cấm kỵ trong môn thể thao phụ nữ chơi", tiến sĩ Furley nói.

Điều này có thể lý giải hành động của cầu thủ Kelly lại thu hút sự chú ý như vậy.

"Chloe Kelly ăn mừng bàn thắng trong chiếc áo lót thể thao là hình ảnh nữ quyền của thập kỷ", một người viết trên Twitter.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-nghia-man-coi-ao-an-mung-cua-nu-cau-thu-tuyen-anh-post1341933.html