Ý nghĩa nghi lễ 'Chảy ông cổ châúu' của người Dao
PTĐT - Được tham gia nhiều nghi lễ của đồng bào người Dao như Lễ cấp sắc, Tết nhảy, Lễ cúng Bàn Vương… nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến và tham gia nghi lễ 'Chảy ông cổ châu' ...
PTĐT - Được tham gia nhiều nghi lễ của đồng bào người Dao như Lễ cấp sắc, Tết nhảy, Lễ cúng Bàn Vương… nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến và tham gia nghi lễ “Chảy ông cổ châúu” – nghi lễ truyền thống có từ lâu đời của cộng đồng người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập. Theo quan niệm của đồng bào “Chảy ông cổ châúu” có nghĩa là tạ mả tổ. Đây là một nghi lễ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên những người đã khuất, tạo không gian tâm linh linh thiêng, giữ vị trí cốt lõi, quan trọng và bền vững trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình, để luôn đặt mình trong sự nối tiếp, biết nguồn cội của mình, công lao sinh thành, nuôi dưỡng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Những ngày cuối tháng Chạp, gia đình ông Dương Trung Thành ở khu 10 xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người thân trong dòng họ, làng bản đã tề tựu đầy đủ làm công tác chuẩn bị như đóng tiền vàng mã, làm văn sớ, cúng Bàn Vương, gia thần ngoại thánh báo cáo việc thực hiện nghi lễ “Chảy ông cổ châúu”. Đúng giờ Ngọ, đoàn người mang theo lễ vật di chuyển vào rừng. Dựa chân vào dãy núi Đù hùng vĩ, địa điểm mà các thầy cúng và gia đình lựa chọn để chuẩn bị mộ đường thực hiện nghi lễ nằm lung chừng một quả đồi nhỏ, được bao bọc bởi một rừng cọ. Tại đây, gia đình đã lập đàn để treo bộ tranh tam thanh và hoàn tất công việc chuẩn bị mộ đường. Những lễ vật truyền thống được gia chủ chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng làm lễ bao gồm 1 con trâu, 1 con dê, 6 con lợn, 6 đôi gà và 1 đôi chim bồ câu. Mỗi lễ vật trong nghi lễ quan trọng này là do các thành viên trong gia đình, dòng họ tự tay chuẩn bị trong một năm, thể hiện sự trân trọng và lòng thành kính với tổ tiên, những người đã khuất.
Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa người Dao, phong tục tập quán của đồng bào Dao Quần Chẹt rất phong phú, đặc sắc và được gìn giữ. Trong đời sống văn hóa tinh thần, đồng bào Dao Quần Chẹt coi trọng đạo lý, sống nghĩa tình, thể hiện cách ứng xử của mình thông qua các nghi lễ truyền thống , nhất là các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện qua tục lệ tách bàn thờ, lập nhà cái (hay còn gọi là tách tổ, dựng tổ mới). Đặc biệt, trước đây do du canh du cư nên người Dao càng coi trọng phần hồn, không coi trọng phần xác, hơn nữa du canh du cư có khi rời nhà đi xa hàng trăm cây số nên người chết ở đâu thì chôn ở đó, không chôn cất tập trung một chỗ, đã chôn cất chỗ nào thì để nguyên chỗ đó, không được phép động vào. Chính vì thế, bắt đầu từ lúc tách bàn thờ để lập tổ mới, sau nhiều năm với hàng chục nghi lễ cúng hương hỏa và tổ tiên phù hộ cho con cháu ngày càng vun tổ lớn, sau khi hoàn tất các nghi lễ tạ mả hạ, tạ mả trung, khai quang tranh và chiêu hồn lúa, âm binh cho Tam Thanh…, gia đình phải làm lễ “Chảy ông cổ châúu” - có nghĩa là tạ mả tổ. Đây là nghi lễ tạ mả lớn nhất và kết thúc việc trả ơn cho tổ tiên trong nghi lễ tách, dựng tổ. Theo quan niệm của đồng bào Dao Quần Chẹt, thực hiện nghi lễ tạ mả thượng xong thì Tổ mới già. Lúc này nhà có người chết mới được làm ma khô, nhà có người làm thầy cúng mới được làm thầy cả, được đem tranh đi làm lễ cấp sắc.
Ông Dương Trung Thành cho biết: “Gia đình tôi tách bàn thờ, lập nhà cái từ năm 1947, qua hơn chục lễ, đến nay mới đủ điều kiện tổ chức lễ “Chảy ông cổ châúu” cho các cụ tổ ngày xưa. Để tổ chức lễ này gia đình tôi đã chuẩn bị kỳ công từ khá lâu, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, ủ những chum rượu thơm nồng nhất đến mời thầy cúng, lập đàn tế, làm mộ đường, rồi mượn tranh Bàn vương, tranh Tam Thanh làm lễ cho gia đình mình thật chu toàn”.
Nghi lễ “Chảy ông cổ châúu” của đồng bào Dao Quần Chẹt được tổ chức trong một ngày và một đêm. Để làm lễ bắt buộc phải lập hai đàn, phần mộ đường và đàn treo tranh Tam thanh, Bàn Vương (Thủy tổ của người Dao). Tùy theo dòng họ, tại mộ đường sẽ làm các ngôi mộ giả, có bia mộ bằng chữ nho ghi rõ họ tên, nơi an táng xưa kia của các cụ tổ. Ngoài thầy đồng chỉ bảo cho con cháu cách làm lễ sao cho đúng, trực tiếp thực hiện nghi lễ có 4 thầy cúng, bao gồm thầy cúng mộ, thầy khai đàn, thầy cúng khao quân và thầy cúng tổng thần khao quân. Các thầy cúng phải mặc áo long bào, bên trong là áo lụa, đầu đội mũ tam thanh, có khả năng nói chuyện âm.
Các nghi thức được thầy cúng thực hiện trong tiếng chuông, tiếng trống chiêng rộn rã. Người thầy cả chiêu hồn ông tổ về mộ đường nhận lễ vật của con cháu. Các thầy cúng bái bộ tranh Tam thanh, mời các ông tổ chứng kiến gia chủ làm lễ. Bắt đầu khai đàn tễ lễ xin thần linh phù hộ gia chủ mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh. Các thần linh được mời chứng giám cho hàng xóm láng giềng giúp gia chủ làm lễ sát sinh gia súc. Sau đó các lễ vật được dâng lên mộ đường. Sau các nghi thức khai đàn, thượng đàn…đúng giờ Tý, thầy cúng trèo lên đài cao thổi tù và, tâu mời Ngọc hoàng xuống chứng kiến nghi lễ. Tiếp đến thầy cúng làm lễ bắc cầu âm đến nơi an táng của tổ tiên khi xưa, tôn tạo thêm phần mộ, làm phép xây tường bao xung quanh, đóng cổng không cho ngoại nhập. Nghi thức này có ý nghĩa với mong muốn những người đã khuất an nghỉ và linh thiêng phù hộ độ trì dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành, con cháu gặp nhiều may mắn, gia đạo hưng long thịnh vượng. Sau khi làm lễ xong ở mộ đường, lúc mặt trời bắt đầu ló rạng, thầy cúng mời thần thánh về đàn uống rượu nhận lễ chia tay.
Thầy cúng Triệu Như Tình – thầy cả thực hiện nghi lễ cho biết: “Gia tiên của bất kể dòng họ nào người Dao khi lập bàn thờ đều phải qua vài bận làm các nghi lễ. Lễ cúng mộ tổ có 3 bậc: Bậc 1- khi mới lập bàn thờ (bậc này chưa treo tranh thờ); bậc 2 (có treo tranh thờ) gọi là lễ “chồng chải” nhưng lễ chỉ cần 1 con lợn và 1 cặp gà; bậc 3 là lễ “Chảy ông cổ châúu”, đủ lễ như đang làm. Đây chính là dịp để con cháu tìm về cội nguồi, chiêu hồn, dâng lên tổ tiên, các vị lão thái ông những lễ vật, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu, gia đình, dòng họ, làng bản và cộng đồng. Sau lễ này, phải 60 – 70 năm nữa gia đình, dòng họ nếu muốn mới được làm lại lễ “Chảy ông cổ châúu”.Mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng người Dao hiện nay vẫn giữ nếp xưa về cái Tết tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn. Những ngày tháng Chạp, cùng với làm lễ Cấp sắc để công nhận người đàn ông đã trưởng thành, tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên, người Dao còn làm lễ “Chồng chải”, “Chảy ông cổ châúu” và luôn đặt mình trong sự nối tiếp, biết nguồn cội của mình, công lao sinh thành, nuôi dưỡng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.