Ý nghĩa phong thủy tuyệt vời của cây ngô đồng (1)

Cây Ngô đồng được coi là loài cây vương giả nhờ truyền thuyết mối nhân duyên thầy trò cảm động và câu chuyện phượng hoàng hạ cánh đậu xuống cây.

Sự tích cây Ngô đồng

Trong kho tàng truyện cổ tích có sự tích cây Ngô đồng. Theo tích đó thì xa xưa, có ông thầy đánh đàn tuyệt kỹ, luôn mang theo cây đàn bên mình đi tìm học trò tài năng để truyền dạy. Đồng thời mong tìm được người phụ nữ cùng ông đi nốt chặng đời.

Một ngày kia lên đò ông gặp hai bố con – thiếu nữ mới 16 tuổi, gương mặt trong sáng, cao quý, đặc biệt thích đánh đàn. Ông thầy nhận ra thiếu nữ có những phẩm chất mà ông cần tìm, nhưng tuổi tác của ông cao quá so với cô gái độ xuân thì.

Bố cô gái ngỏ ý mời ông thầy dạy đàn cho con gái. Được ít ngày, ông bố lại xin cho con trai của bạn mình mới 17 tuổi vào học cùng. Chàng trai đánh thử cho thầy nghe một khúc nhạc khiến ông vô cùng kinh ngạc bởi tiếng đàn sâu lắng, rất trong sáng, chỉ cần nghe qua bản đàn một lần là nhớ và đánh lại được. Ông thầy vui lắm, nghĩ đó là người học trò rất có tài mà ông mơ ước.

Thiếu nữ chăm sóc chu đáo thầy dạy đàn, cũng nhanh chóng thân thiết với bạn học. Chàng trai rất chịu khó tập đàn và tiếng đàn ngày càng có hồn, dễ đi vào lòng người với đủ các cung bậc tâm hồn. Và đôi trai gái đã yêu nhau.

Cây Ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Ảnh internet.

Cây Ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Ảnh internet.

2 năm sau, thiếu nữ trở thành cô gái xinh đẹp và chàng trai ngày càng tài năng. Họ tự viết những bản nhạc mới rất gần gũi với cuộc sống. Gặp dịp nhà vua tổ chức thi đàn để chọn người tài thì ông thầy đưa hai học trò đến kinh thành tham dự và đoạt giải cao, được nhà vua mở tiệc khao đãi.

Trong lúc tiệc tùng sang trọng thì ông thầy dạy đàn lặng lẽ ra đi. Đêm đó ông ôm đàn ngồi một mình trên bãi cát ven sông. Trước dòng sông sáng lấp lánh ánh trăng ông vừa uống rượu, vừa đánh lên những âm thanh ngân nga, chơi vơi giữa lưng trời…

Ít lâu sau có người mang cây đàn và bình rượu của ông thầy đến nhà hai bố con cô gái. Họ cho biết ông thầy bị cảm nặng và đã mất. Vài ngày trước khi chết ông luôn đánh một bản nhạc da diết, nhưng thấm đẫm tình người. Gia đình cô gái và chàng trai đã lập am thờ ông thầy trong vườn, treo cây đàn và bình rượu trang trọng bên ban thờ ông thầy dạy đàn.

Ngày đầu tiên của mùa xuân năm ấy, khi ra thắp hương mọi người ngạc nhiên thấy miệng bình rượu mọc lên hai cái lá non to khỏe vươn dài. Cây dần lớn và trổ hoa - những bông hoa 5 cánh li ti đỏ tươi chụm vào nhau, trông xa như những vết máu đỏ nhỏ xíu… Họ gọi là cây Ngô đồng.

Cây Ngô đồng là nơi ưa thích của Phượng hoàng. Ảnh internet.

Cây Ngô đồng là nơi ưa thích của Phượng hoàng. Ảnh internet.

Cây Ngô đồng và chim Phượng hoàng

Theo tác giả Nguyễn Văn Liêm - Đại Dương (trong "Mùa hoa Ngô đồng ở Huế" - Sở VHTT Thừa Thiên Huế), tích "Bá Nha và Tử Kỳ" có nói cây Ngô đồng là nơi ưa thích của Phượng hoàng. Xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy năm sắc sao rơi xuống cây Ngô đồng và chim Phượng hoàng (Bách điểu chi vương - vua của các loài chim mang phúc khí, cát tường) liền đến đó đậu. Vua cho Phượng hoàng là chúa tể các loài chim, lại đậu trên cây Ngô đồng ắt đó là gỗ linh hấp thụ tinh hoa trời đất, có thể làm nhã nhạc.

Vua cho đốn cây Ngô đồng phân thành 3 đoạn để làm đàn. Đoạn ngọn làm đàn tiếng nghe quá trong và nhẹ. Đoạn gốc làm đàn tiếng đục và nặng. Chỉ có đoạn giữa tiếng vừa trong, vừa đục, có thể dùng được. Đoạn giữa được chọn ngâm giữa dòng sông nước chảy 72 ngày đêm thì vớt lên phơi trong mát thật khô. Sau đó chọn ngày tốt, gọi thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí và đặt tên là Dao cầm. Tiếng đàn từ Dao cầm vang lên có thể làm hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót…

Từ đó cây Ngô đồng được cho là loài cây vương giả, trồng ở nơi linh thiêng, quyền quý như hoàng thành, lăng tẩm vua chúa...

Cây Ngô đồng trong phong thủy

Cây Ngô đồng có 2 loại là cây thân gỗ và cây cảnh.

Cây Ngô đồng thân gỗ, dáng cao tươi mát, dáng cao to, cường tráng, hướng lên rất thẳng và có nhiều vết sẹo đẻ nhánh tỏa xung quanh. Vỏ cây trơn nhẵn xanh biếc, lá cây xanh sum xuê, uy nghi. Hoa Ngô đồng dạng chùm màu đỏ, hoặc hồng nhạt.

Toàn thân cây Ngô đồng được người xưa coi là châu báu: Hạt Ngô đồng dùng để ép dầu, vỏ dùng để đan dây thừng, bện võng... Thân và cành cho gỗ tốt, nhiều cây đàn piano nổi tiếng được làm từ gỗ cây Ngô đồng.

Cây Ngô đồng cảnh Việt Nam còn gọi là dầu lai lá sen, dâu lai có củ, cây sen lục bình, sen cạn… thân dáng nhỏ, thân mọng nước, gốc phình ra như bình hoa, cao không quá 1mét. Ngô đồng cảnh xinh xắn tươi mát, lá cây tươi xanh giống lá sen, thân giống búp sen, hoa dạng cụm đỏ (nhìn bao quát như búp sen khổng lồ), với vẻ đẹp bình yên. Hoa nở thành cụm màu đỏ tươi.

Do đó, người xưa cho rằng trồng cây Ngô đồng là điềm cao sang, nhà sẽ sinh phượng hoàng, con cháu sẽ thành danh, đem lại phúc khí, may mắn, cát tường… Do hình dạng độc đáo nên người xưa cho rằng cây Ngô đồng còn giúp xua đi năng lượng xấu, vận xui rủi, hóa giải nạn tai… cho gia đình.

Theo Ngũ hành phong thủy, Ngô đồng hợp với người có mệnh Mộc, Hỏa (bởi Mộc vượng Hỏa). Người mệnh Hỏa trồng cây Ngô đồng sẽ thu hút nhiều dòng năng lượng tốt, may mắn trong công việc.

Về đặc tính sinh trưởng thì cây ngô đồng không cần chăm sóc nhiều vẫn tỏa ra sức sống mạnh mẽ - biểu trưng cho sự sung mãn, trường tồn, trường thọ, như ý và cát tường. Vì vậy một số nhà thích trồng Ngô đồng thân gỗ trong vườn nhà, Ngô đồng cảnh trong chậu kiểng.

Thế nhưng, vẫn có các chuyên phong thủy cho rằng không nên trồng cây ngô đồng trong nhà. Vì sao lại vậy? Mời bạn đọc lý giải trong bài viết tiếp theo dưới đây.

Bài 2: Cây ngô đồng có giá trị và ý nghĩa phong thủy, nhưng đây là lý do không nên trồng ngô đồng trong vườn nhà

* Thông tin trong bài chỉ có tính tham khảo chiêm nghiệm.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/y-nghia-phong-thuy-tuyet-voi-cua-cay-ngo-dong-1-172240527121339529.htm