Ý nghĩa phương tiện trong Phật giáo Đại thừa qua bản kinh Pháp Hoa và kinh Duy Ma Cật
Ý nghĩa Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa được Hòa thượng Thích Thiện Siêu giảng giải 177 trên 560 trang trình bày về phẩm Phương Tiện. Kinh Duy Ma Cật, sử dụng phương tiện, hóa độ chúng sinh dưới hình thức cư sĩ, điển hình Cư sĩ Duy Ma Cật là trưởng giả giàu có, Ngài Cưu Ma La Thập có hai dịch phẩm, dịch từ tiếng phạn sang tiếng Hán.
2,K
Mục lục bài viết
I. Phần mở đầu
II. Tổng quan về khái niệm phương tiện
III. Phương tiện trong kinh Pháp hoa (Phật giáo đại thừa)
3.1 Phương tiện thiện xảo trong kinh Pháp hoa (Addharmapuṇdạrīka Sūtra)
3.2 Phương Tiện Thiện Xảo Trong Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdesá Sūtra)
IV. Ứng dụng phương tiện thiện xảo trong đời sống tu học
4.1 Giá trị trong tu học
4.2 Giá trị trong hoằng pháp
V. Kết luận
Ý nghĩa Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa được Hòa thượng Thích Thiện Siêu giảng giải 177 trên 560 trang trình bày về phẩm Phương Tiện. Kinh Duy Ma Cật, sử dụng phương tiện, hóa độ chúng sinh dưới hình thức cư sĩ, điển hình Cư sĩ Duy Ma Cật là trưởng giả giàu có, Ngài Cưu Ma La Thập có hai dịch phẩm, dịch từ tiếng phạn sang tiếng Hán.
Tác giả: Thích nữ Giác Tường An
I. Phần mở đầu
Trong các tư tưởng được xiển dương của Phật giáo Đại thừa có giáo lý “Phương tiện” ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như tu hành của Chư Tăng Ni ngày nay. Đức Phật, Ngài đã khẳng định sự có mặt của Ngài trên thế gian này là vì muốn đem lại hạnh phúc, an lạc cho loài người và chư thiên không phải chỉ cho dòng tộc Sakya: “Một người, …, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.”(1) Bởi chúng sinh do vô minh, do điên đảo mộng tưởng xem “hoa đóm” là thật. Chấp tôi, chấp của tôi do có tôi, có cái của tôi nên chúng sinh đau khổ. Chính vì vậy đức Phật đã vì lòng bi mẫn, thương chúng sinh đau khổ, nên Ngài đã thị hiện. Ngài dùng vô số phương tiện, để độ chúng sinh thấy ra lẻ thật. Phương tiện đó được ví như ngón tay chỉ trăng:
“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (2)
“凡 所 有 相 皆 是 虛 忘”.
Chúng ta chỉ nương ngón tay để thấy mặt trăng, chứ không phải chấp dính vào ngón tay. Nếu chấp ngón tay không rời thì làm sao thấy trăng, xem phương tiện như cứu cánh thì làm sao qua bờ giác. Sau đây người viết xin làm rõ hơn ý nghĩa “Phương Tiện” trong Phật giáo Đại Thừa, cụ thể xin giới thiệu qua bản Kinh Pháp Hoa (Saddharmapuṇdạrīka Sūtra) và Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdesá Sūtra). Qua những lời dạy của Phật chúng ta có thể đúc kết rằng, tất cả sự chỉ dạy của Đức Phật là Pháp phương tiện (法 方 便). Phật đã thiện xảo trong cách sử dụng phương tiện để hóa độ tất cả chúng sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều người lại lợi dụng “Phương tiện trong phương tiện” để cầu danh, cầu lợi làm lệch đi, ý nghĩa Phương tiện mà Phật đã chỉ dạy. Ý nghĩa Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa được Hòa thượng Thích Thiện Siêu giảng giải 177 trên 560 trang trình bày về phẩm Phương Tiện. Kinh Duy Ma Cật, sử dụng phương tiện, hóa độ chúng sinh dưới hình thức cư sĩ, điển hình Cư sĩ Duy Ma Cật là trưởng giả giàu có, Ngài Cưu Ma La Thập có hai dịch phẩm, dịch từ tiếng phạn sang tiếng Hán. Đó là Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh và Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh. Từ tiếng Hán dịch sang tiếng Việt có ba vị, Hòa Thượng Huệ Hưng, dịch in vào năm 1951, ông Đoàn Trung Còn và Sư bà Diệu Không. Trong bản kinh ngài Cưu Ma La Thập dịch, gồm 3 quyển, 14 phẩm. Với sự hiểu biết của bản thân, người viết xin được học hỏi và trình bài ngắn ngọn như sau.
II. Tổng quan về khái niệm phương tiện
Danh từ “Phương tiện” trong các ngôn ngữ được viết như sau:
Tiếng Pālị: “Upāya”, tiếng Hán: “方便” , tiếng Anh “way; means; resource”
Theo Tự điển Tiếng Việt , “phương tiện” có nghĩa: “cái dùng để làm một việc gì, để đạt một mục đích nào đó” (danh từ). Phật Quang Đại Từ Điển định nghĩa tổng quát “phương tiện” là “Thiện quyền, Biến mưu. Phương pháp khéo léo để tiến triển hướng thượng, 1 trong 10 Ba la mật.” Và tổng hợp thêm các định nghĩa chi tiết như sau:
“1. Đối với pháp chân thực thì phương tiện là pháp môn tạm thời được đặt ra để dắt dẫn chúng sinh vào pháp chân thực. Tức là Phật, Bồ tát tùy theo căn cơ, trình độ của các chúng sinh mà sử dụng những phương pháp khéo léo, thích hợp để làm lợi ích cho họ.
2. Đối với thực trí bát nhã, cứ theo Vãng sinh luận chú của ngài Đàm loan thì Bát nhã là tuệ đạt như, Phương tiện là trí thông quyền. Dùng Quyền trí quán chiếu sự sai biệt hiển hiện trong Thực trí bình đẳng.
3. Phương tiện là gia hạnh tu tập để chứng ngộ chân lý.”
Ngoài ra, cũng tại Phật Quang Đại Từ Điển, bổ sung thêm 4 loại phương tiện trích từ định nghĩa của Ngài Tuệ Viễn và Ngài Khuy Cơ như sau:
“Tiến thú phương tiện: Chuẩn bị (gia hạnh) tiến tới bồ đề, như 7 phương tiện trước giai vị Kiến đạo.
Chữ “Phương” đi với chữ “Tiện” nhằm chỉ sự khéo léo, thiện xảo, cách thức dẫn dắt tài tình mà đức Phật đã sử dụng vô số Pháp Phật hay còn gọi là vô vàn phương tiện để độ tất cả chúng sinh. Trong “kinh Di Giáo”, trước lúc Thế Tôn Nhập vào Vô Dư Niết Bàn: “…Ai có khả năng tiếp nhận hóa độ, …Như Lai đã hóa độ tất cả. Ai chưa thể tiếp nhận hóa độ, thì Như Lai cũng đã tạo yếu tố hóa độ cho họ”(3). Cho thấy đức Phật hết lòng vì chúng sinh, muốn giúp cho mọi người, bằng mọi phương tiện, để được hóa độ, giúp cho họ thoát khổ, được sống hạnh phúc an vui.
Phương tiện thiện xảo (upāya-kosalla), (善巧方便): Là thuật ngữ quen thuộc của Phật giáo Đại thừa. Khái niệm phương tiện nhằm chỉ sự khéo léo, uyển chuyển mà Thế Tôn dùng để giáo hóa tùy vào căn cơ của mỗi người. Như người Thầy thuốc tùy theo bệnh cho thuốc. Chính vì vậy Phật còn được xem như “Một Đại Y Vương”. Phương tiện trong từ điển Phật Quang được chia làm nhiều khía cạnh. Khuông khổ bài viết có giới hạn nên xin định nghĩa Phương Tiện ngắn gọn theo nghĩa rộng và Nghĩa hẹp:
Nghĩa hẹp: “Phương là phương pháp, tiện là thuận tiện, thích đáng. Vậy Phương Tiện chính là pháp thuận tiện, thích đáng để dẫn đến một mục đích, một ý muốn cao đẹp, ta có thể cho đây là “Thế gian Thiện xảo Phương Tiện”.
Nghĩa rộng: “Trong kinh điển tả về cảnh giới giác ngộ của đức Phật thậm thâm vi diệu, duy chứng tự tri- chỉ có chứng mới biết được. Ngoài ra tất cả những cách thức trình bày thuyết giảng, dùng đến ngôn ngữ, sắc tướng… thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện”. Chúng ta có thể cho đây là “Xuất thế gian thiện xảo phương tiện”.
Tùy căn cơ chúng sinh mà Phật đã khéo léo, chỉ dạy, qua đó cho thấy tất cả pháp môn đều là Pháp Phương tiện. Trong
Kinh Kim Cang có câu:
“Ngã sở thuyết pháp như phiệt dụ giả,
pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”
我 所 說 法 如 閥 喻 者,
法 上 應 捨 何 況 非 法
“Pháp ví như chiếc bè, chính pháp còn bỏ, huống gì phi pháp.”(4). Nhằm nói lên rằng tất cả giáo pháp, chỉ là phương tiện. Tinh thần phương tiện trong Kinh Pháp Hoa là giúp chúng sinh giác ngộ nhập “Phật tri kiến” quy về Phật thừa. Ngài không chỉ dùng một hay hai Phương Tiện mà là vô vàn Phương tiện, để hóa độ tất cả chúng sinh hữu duyên với Ngài. Tất cả lời Phật dạy đều là phương tiện để đưa chúng sinh đến Phật thừa, tức là chân tâm Phật tính. Trong nhà thiền hay sử dụng “Bản lai diện mục”(5) Cái tính biết, thường hằng bất biến của chúng sinh nhưng vì vô minh lầm chấp vào nên chúng sinh đau khổ chịu sinh đi tái lại trong ba cõi sáu đường mà không nhận ra Phật tính bênh trong của chính mình. Phật vì chúng sinh hóa độ suốt 49 năm, sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề thế mà Ngài Ananda nghĩ: “… Đức Như Lai không dạy bảo gì cho chúng đệ tử cả?” Phật bảo: “Này A Nan! Chúng tăng còn mong cầu điều gì nơi Ta nữa chăng? … pháp thiển cận hay thâm áo Ta đều đã giảng dạy cả rồi. Đối với chân lý, Như Lai không bao giờ” (HT. Thích Đưc Trí tuyển dịch, Kinh Trường A Hàm), Vì sao Phật thuyết giảng hóa độ, ban đầu cho năm Anh em Kiều Trần Như đến vị cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La. Ý nghĩa của câu này là giáo pháp của Thế Tôn là phương tiện để đi vào thực tế, vào pháp hành chứ không phải là để miêu tả. Giáo pháp của đức Phật giúp cho hành giả nhận thức chân lý, thấy ra sự thật. Tu là buông chứ không nắm giữ. Chân lý rất vi diệu, không thể dùng lời nói để diễn tả mà phải tự mình trãi nghiệm như “lãnh noãn tự tri” (uống nước nóng lạnh tự biết), những lời dạy của đức Phật chỉ là phương tiện để giúp người tu hành tự mình đạt tới giác ngộ giải thoát.
III. Phương tiện trong kinh Pháp hoa (Phật giáo đại thừa)
3.1 Phương tiện thiện xảo trong kinh Pháp hoa (Addharmapuṇdạrīka Sūtra)
Pháp Sư Nikkyo Niwano (1906-1999)
Điểm qua Kinh điển Đại Thừa chúng ta không thể bỏ qua Bộ Kinh Pháp Hoa. Phần lớn Phật tử Bắc Tông đều biết và hành trì Kinh Pháp Hoa, không chỉ tại Việt Nam có những đạo tràng hành trì Kinh Pháp Hoa mà ngoài nước điển hình Như Nhật Bản có Pháp Sư Nikkyo Niwano hành trì và giảng giải kinh Pháp Hoa. Riêng tại Thành Phố Hồ Chí Minh có nhiều đạo tràng Phật tử tu học Phật Pháp. Trong đó nổi bậc nhất là đạo tràng Pháp Hoa dưới sự hướng dẫn tu học của Ngài Hòa Thượng thượng Trí hạ Quảng. Tinh thần của Pháp Hoa thu hút rất đông Phật tử bởi sự khéo léo, thiện xảo của Chư Phật Thế Tôn được thể hiện rõ qua suốt bảy quyển, toàn bộ ý nghĩa kinh Pháp Hoa đều nói về Pháp Phương Tiện. Nổi bậc nhất Phẩm Phương Tiện chiếm trọn chương II, nhằm khai thị, ngộ nhập cái thấy biết của Phật giúp cho chúng sinh nhận rõ thấy biết đó là Phật thừa: “Chỉ có một Phật thừa. Một Phật thừa duy nhất nầy liên quan đến một chân lý có ba mặt. Đây cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa Không, và Như Lai tạng. Ba không phải là ba; có một trong ba. Một không hẳn là một mà có ba trong một”(6). Tất cả chúng sinh, qua việc lắng nghe giáo pháp của chư Phật, cuối cùng có thể đạt được nhất thiết chủng trí. không chỉ có một hay hay phương tiện mà Chư Phật Thế Tôn dùng vô số phương tiện để giúp chúng sinh vào Nhất thừa Phật Tính. “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một nhân duyên đại sự mà xuất hiện nơi thế gian… Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai dùng vô lượng vô số phương tiện, thảy thảy nhân duyên thí dụ ngôn từ, mà vì chúng sinh diễn nói các phá.”(7) Kinh Pháp Hoa là một trong những bản kinh phổ biến nhất. Giáo lý quan trọng của kinh là Nhất thừa, Phật tính và Phương tiện. Đồng thời cho thấy sự dung thông trong giáo lý của Phật tất cả các “thừa” (yāna) quy về một “Nhất thừa” Phật thừa. Kinh Pháp Hoa: “Duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam”, nghĩa là: “Chỉ có Nhất thừa pháp, không có Nhị thừa và cũng không có 10 Tam thừa.”(8) Chính vì vậy Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ-tát thừa cũng chỉ là những phương tiện quay để đưa về Phật thừa. Kinh Pháp Hoa được nhiều Hòa Thượng lớn dịch như Hòa thượng, thượng Trí hạ Tịnh, Hòa Thượng viện chủ thượng Trí hạ Quảng giúp cho hành giả thuận tiện trong việc tu học. Trong kinh Phẩm Thí Dụ cũng nêu lên hình ảnh ông trưởng giả khi phát hiện nhà cháy đã tìm mọi cách, để gọi các con ra bằng phương tiện, khéo léo đem các loại xe, như “xe hươu, xe dê, xe trâu” để các con chịu ra khỏi ngôi nhà lửa đang cháy. Nhưng khi các con đã ra ông trưởng giả giàu có đều cho các con mình một loại xe lớn và đẹp. Cái chính là ông trưởng giả muốn các con thoát khỏi sự nguy hiểm của tính mạng nên bằng tình thương, đã dẫn dụ được các con ra khỏi đám cháy. Qua đây thấy được tinh thần kinh pháp hoa với phương tiện thiện xảo Phật giúp cho hành giả nhận thấy quả vị cuối cùng của người tu học là Phật quả, bởi chúng sinh đều có Phật tính, Phật có mặt ở đời là một phương tiện, vì muốn giúp chúng sinh thấy biết được tính Phật trong mỗi người: “Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời…vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.”(9)
3.2 Phương Tiện Thiện Xảo Trong Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdesá Sūtra)
Pháp Phương Tiện cũng được đề cập trong Kinh Duy Ma Cật, Trong một số giáo lý quan trọng của Kinh như “Tính không”, “Nhị đế”, “Bất nhị” còn có Pháp Phương Tiện và các giáo pháp căn bản khác như vô thường, khổ và vô ngã… Pháp Phương Tiện được sử dụng thiện xảo bởi Trưởng giả Duy Ma Cật “ Bấy giờ, trong thành lớn Duy-da-ly có vị trưởng giả tên là Duy-ma-cật (Hán dịch là Vô Cấu Xưng), ở nơi chư Phật đời trước đã từng lập hạnh tu gốc thiện, được pháp nhẫn, được biện tài, thần thông tự tại, được sự không sợ, hàng phục 11 ma oán, thâm nhập vi diệu, phát sinh Trí tuệ ba-la-mật, hành phương tiện thiện xảo, vào khắp các đường, khiến đạt được ước nguyện căn cơ của chúng sinh, gọi là thọ sinh đầy đủ, lập nên đạo lớn, việc làm tốt đẹp, đối với hạnh thiện của Phật – Thánh đều đã tạo lập, tâm Bồ-đề như biển đều đã nhập vào, được chư Phật tán dương”(10) .
Trưởng giả Duy Ma Cật dưới hình tướng cận sự nam, có đời sống tại gia nhưng ông đã sử dụng phương tiện một cách thiện xảo như một vị bồ tát giữa đời thường, Kinh duy Ma Cật cũng dành riêng một phẩm để nói về Pháp Phương Tiện Thiện Xảo như Pháp Hoa Kinh, bênh cạnh đó tinh thần Phương Tiện cũng trãi dài bản kinh như Pháp Hoa, nhân vật chính để lại ấn tượng cho hành giả là trưởng giả Duy Ma Cật, Ông độ tất cả mọi người, mọi nơi không có sự phân biệt, với những phương pháp thích hợp khác nhau, tùy nhân duyên tuy có đời sống gia đình nhưng ông am hiểu giáo lý Phật Pháp, bênh cạnh đó ông cũng sử dụng “vô vàn phương tiện”(11) để giảng giải Phật Pháp một cách thiện xảo. Ông xuất hiện dưới hình thức cư sĩ nên dễ dàng tiếp cận, tham gia vào các công việc đời sống thường nhật, từ quán rượu, đến kỷ viện để giúp người tỉnh ngộ: “Ông đã vận dụng phương tiện chọn Tỳ-da-li làm nơi thường trú để hóa độ chúng sinh. Bằng gia sản vô lượng của mình, ông cứu giúp người cùng khổ. Bằng sự thanh tịnh của giới, ông nhiếp phục người phá giới. Bằng sự nhu hòa thuận nhẫn, ông nhiếp phục người sân hận. Bằng đại tinh tấn, ông nhiếp phục người biếng nhác…. Tuy là cư sĩ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh. Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly… Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chính tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật… Rong chơi trên các ngõ đường, vẫn không quên giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các nghị hội để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu mà vẫn vững vàng ý chí…”(12) Ông đi vào đời với hai phương tiện một là “vô ngôn” hai là biểu hiện của hình thể, với tấm lòng từ bi vô lượng với “phương tiện huệ”. Một Bồ Tát với hạnh nguyện cứu giúp chúng sinh, tích lũy Ba-la-mật. Bồ Tát không có sự phân biệt, xem mình và chúng sinh là một, “bất nhị”. Nỗi đau khổ của chúng sinh cũng chính khổ đau của mình. Chúng sinh hết khổ Bồ tát cũng hết khổ: “Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi. Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết…
Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi.”(13) Chúng sinh căn tính khác nhau, nghiệp lực khác nhau, nên Bồ Tát có vô vàn Phương Tiện để độ. Không có cái khổ nào giống cái khổ nào, cơn đau cũng vậy, vì thế nên Bồ Tát với nhiều phương tiện khác, tùy theo quốc độ khác nhau mà hóa độ: “Có cõi Phật lấy ánh quang minh của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy chư Bồ tát làm Phật sự. Có cõi lấy hóa nhân làm Phật sự. Có cõi lấy cây bồ-đề làm Phật sự. Có cõi lấy y phục, ngọa cụ của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy cơm làm Phật sự. Có cõi lấy hoa viên, đền các làm Phật sự. Có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật làm Phật sự. Có cõi lấy thân Phật làm Phật sự. Có cõi lấy hư không làm Phật sự; chúng sinh nhờ các duyên này mà có thể nhập luật hạnh…”(14). Đồng thời Kinh Duy Ma Cật cũng coi phương tiện là cách giúp những ai tu tập theo giáo Pháp của Bụt phải đi theo con đường trung đạo, tức không chấp vào hai cực đoan đó là lợi dưỡng hay khổ hạnh ví như khúc gỗ hướng thẳng ra biển. Không nên chấp vào bất cứ điều: “Cho nên, Bồ tát chớ tự trói buộc mình. Thế nào là trói buộc? Thế nào là cởi mở?… Không có huệ phương tiện là trói buộc; có huệ 13 phương tiện là cởi trói.”(15) Do đó Bồ-tát thiện xảo trong phương tiên sẽ “Tu học Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng đắc; tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm sở chứng; tu học vô khởi mà không lấy vô khởi làm sở chứng… nên không xem là hư dối các công đức, thiền định, trí tuệ.”(16) Như đã trình ở trên, kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh việc thực hành Phật pháp ngay nơi đời sống thường nhật thế gian.
IV. Ứng dụng phương tiện thiện xảo trong đời sống tu học
4.1 Giá trị trong tu học
Qua đề tài nghiên cứu con rút ra được bài học cho bản thân về Pháp học lẫn pháp hành, tất cả Pháp Phật là Pháp Phương tiện, giúp cho hành giả trên bước đường tu học, hiểu đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh, pháp học là phương tiện mà pháp hành cũng là phương tiện.
“Chuyên niệm, phương tiện tìm
Cũng không ưa tại gia,
Bầy nhạn bay qua ao
Cuối dòng trừ giận dữ”.
Chuyên niệm, phương tiện tìm là xuất gia, học đạo, chuyên niệm là buộc ý nghĩ không dời đổi. Cũng không ưa tại gia không ưa ở trong ân ái gia đình.
Bầy nhạn bay qua ao, cuối dòng trừ giận dữ: Giống như bầy nhạn đã bỏ rừng núi lớn, không có tâm quyến luyến, mến mộ. Cũng thế, người xuất gia kia đã diệt năm dục, không có tâm quyến luyến, mến mộ, đã có thể dùng đạo nhằm dứt trừ năm dục, như chính pháp còn bỏ, huống chi phi pháp.”(17) Pháp học là nhân, pháp hành là quả, tất cả nương vào để hành giả tu học theo Pháp Phật để nhận ra chân tâm Phật tính, như tinh thần Kinh Pháp Hoa “Ngộ nhập Phật tri kiến”. “Phương tiện ba thừa để hiển bày cái chân thật là Nhất thừa Phật đạo. “Khai quyền” là chỉ rõ tất cả các pháp môn, mà đức Phật nói trước kinh Pháp Hoa, đều chỉ là phương tiện để đi đến giáo lý Thật của Pháp Hoa rằng: “Tất cả chúng sinh đều là Phật”. Điều mà mười phương chư Phật đều làm là: “Xuất hiện ra ở đời để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.(18) Thấy biết được vạn pháp vô thường, khổ, vô ngã, qua kinh Duy Ma Cật cũng chỉ ra tất cả phương tiện được Phật sử dụng để giúp chúng sinh thoát khổ, giúp người tu tập đi đến Phật thừa hay còn gọi là Nhất thừa.
“Xá-lợi-phất! Pháp của tất cả mười phương chư Phật cũng như vậy. Xá-lợi-phất! Chư Phật quá khứ đã dùng vô lượng vô số phương tiện, các thứ nhân duyên, ngôn từ, thí dụ để vì chúng sinh diễn nói các pháp. Các pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sinh đó theo chư Phật nghe pháp, cứu cánh đều chứng được Nhất thiết chủng trí.”(19)
4.2 Giá trị trong hoằng pháp
Việc tu học để thoát li sinh tử cố nhiên là quan trọng, nhưng việc hoằng dương chân lí, thuyết pháp độ sinh cũng quan trọng không kém. Trong Hoằng Pháp là người con Phật cũng nương theo lời Phật dạy, cũng nên học Pháp Phương Tiện của Phật mà giúp đỡ tha nhân, trên tinh thần, từ bi đi với trí tuệ, để độ đời, độ người. Trước tiên mình phải tự độ mình, phải giữ chính niệm, hành theo Bát Chính, phải tự nhắc mình là người con gái, con trai của Như Lai, là cánh tay nối dài của Phật Pháp không nên dễ vui, phóng dật, luôn sống với tinh thần thiểu dục tri túc, hãy làm hải đảo tự thân, lấy giới luật làm thầy, thắp lên ngọn đèn chính Pháp để thay thế vô minh. Đem lại hạnh phúc cho mình cho đời. Học theo tinh thần của Ngài Phú Lâu Na (Puiịạmantàni-putra), hoằng Pháp nhiệt tâm không ngại gian khó, dù có phải chịu thiệt cho bản thân cũng không nghĩ đến mình, luôn luôn đem nhiệt tình và lòng từ bi trải khắp chúng sinh, không bao giờ chán nản hay thất vọng trước những nghịch cảnh của thế gian, Ngài có biện tài thuyết Pháp bậc nhất, đem chính Pháp của Phật lan tỏa muôn nơi, Có thể nói con đường hoằng dương Chính Pháp không dễ dàng nhưng là người con Phật thì luôn lấy từ bi và trí tuệ để hướng tới, gieo hạt giống bồ đề lên khắp chúng nhân, để mọi người cùng an vui, gặp khó không nản, thấy nhọc không buồn, trong bận rộn vẫn thấy thảnh thơi, trong yêu thương vẫn bình an không dính mắc.
V. Kết luận
“Sau khi nghe Phật nói pháp và thọ ký cho các đệ tử lớn, nghe nhân duyên đời trước và thần thông tự tại của Phật, Phú Lâu Na vui mừng thanh tịnh bạch Phật rằng: “Thế Tôn thực là siêu tuyệt, Ngài khéo léo dùng vô số phương tiện nói pháp, cứu vớt chúng sinh.” (HT.Thích Trí Quảng – Lược Giảng Kinh Pháp Hoa) qua lời dạy trên, Thế Tôn đã dùng rất nhiều phương tiện để chỉ bày tính Phật trong mỗi người. Không riêng vì Phật Bổn Sư Thích Ca mà Chư Phật quá khứ cũng đã dùng nhiều cách hóa độ chúng sinh như thế. Người viết xin giới thiệu thêm ý nghĩa phương tiện cũng có mặt trong Phật Giáo Đại Thừa và nhiều bản kinh. Đây Một trong những bộ kinh lớn truyển tải ý nghĩa Pháp Phật, tinh thần đó thể hiện đậm nét ở “Phẩm Phương Tiện”. Những ai quan tâm về triết lý phương tiện có thể tìm hiểu thêm. Phật nói:
“Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”
一 切 眾 生 皆 有 佛 性.
(Sa môn Đế Quán – Bác Sĩ Trần Văn Nghĩa – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, Thiên Thai Tứ Giáo Nghi). Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, chính vì Phật thương chúng sinh, như tình thương một người cha đối với những người con, nên Ngài dùng vô số phương tiện để giúp cho mỗi người nhận ra chân tâm, Phật tính nơi chính mình. “Pháp Phương Tiện” (法 方 便) là pháp môn Phật dạy giúp những ai hành pháp, thấy pháp đều có an lạc hạnh phúc. Rõ ràng lời Phật dạy Phương tiện như tấm bản đồ tâm linh, để người tu tập nương theo, không nên chấp dính vào phương tiện mà phải có trí tuệ biết lúc nào nên buông phương tiện, để hoàn thành mục tiêu mà mình hướng tới. Mong những ai tu học điều nhận thấy ý nghĩa và giá trị ở Pháp Phương Tiện.
Tác giả: Thích nữ Giác Tường An
***
Chú thích:
1 ĐTKVN, Tăng Chi Bộ, phẩm Một người, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr46.
2 Thích Thiện Hoa, học phổ thông 3, Kinh Kim Cang, Bài Thứ Tám, Phần Chính Tôn (Tiếp Theo), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội,2012, tr57.
3 Thích Thiện Siêu dịch, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr 273.
4 Thích Minh Châu dịch, Những Ngày Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, 2003, tr 162.
5 Thích Tịnh Hạnh, Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr 336.
6 Trí Khải Đại Sư dịch, Thiền Và Chỉ Quán, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr 43.
7 Thích Minh Châu, Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ 22. Kinh số 22 – Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr 67.
8 Thích Thanh Kiểm dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao Động, 2020, tr 239.
9 Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, QI, Phẩm Phương Tiện, CII, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr 66.
10 Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 56 – Bộ Kinh Tập III – Số 468->489, Số 474 – Kinh Duy-Ma-Cật – Quyển Thượng – Phẩm 1: Phật Quốc, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr 121.
11 Thích Tuệ Sỹ, Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr 148.
12 Thích Tuệ Sỹ, Duy-Ma-Cật Sở Thuyết,Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr 91.
13 Kinh đã dẫn, tr 152.
14 Kinh đã dẫn, tr 261.
15 Kinh đã dẫn, tr 162.
16 Kinh đã dẫn, tr 269.
17 Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 97 – Bộ Tỳ Đàm IX – Số 1548 ->1549, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, năm 2000, tr 1118.
18 Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa Giữa Các Kinh Điển Đại Thừa, Đại Cương Kinh Pháp Hoa, Nxb TP.HCM, năm 1999, tr19.
19 Thích Tịnh Hạnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Quyển 1 ,Nxb Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr 29.
Tài liệu tham khảo
1. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ, phẩm Một người, VNCPHVN ấn hành, 1996.
2. Thích Thiện Hoa, học phổ thông 3, Kinh Kim Cang, Bài Thứ Tám, Phần Chính Tôn (Tiếp Theo), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội,2012. tr16
3. Thích Trí Quang dịch, Kinh Dị giáo, Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010.
4. Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa Giữa Các Kinh Điển Đại Thừa, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.
5. Sa môn Đế Quán – Bác Sĩ Trần Văn Nghĩa – Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, Thiên Thai Tứ Giáo Nghi, Cao Lệ Sa Môn Đế Quán Lục – Cao Ly Sa Môn Đế Quán Sao Lục, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
6. Thích Thiện Siêu dịch, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
7. Thích Minh Châu, Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ 22. Kinh số 22 – Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011/ Những Ngày Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, 2003.
8. Thích Thanh Kiểm dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao Động, 2020.
9. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, QI, Phẩm Phương Tiện, CII, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
10. Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 56 – Bộ Kinh Tập III – Số 468->489, Số 474 – Kinh Duy-Ma-Cật – Quyển Thượng – Phẩm 1: Phật Quốc, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
11. Thích Tuệ Sỹ, Huyền Thoại Duy-Ma-Cật, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2007/, Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2008.
12.Thích Tịnh Hạnh, Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
13. https://cafebiz.vn/f0-dang-cach-ly-tai-nha-van-co-tinh-ra-ngoai-di-lang-thang-ngoai-duong-bi-xu-ly-ra-sao-20210902105045205.chn