Ý nghĩa sự ra đời của Công ước chống tra tấn

Công ước chống tra tấn yêu cầu các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo hoặc vô nhân đạo với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống. Công ước này yêu cầu các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn.

Bản văn Công ước đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và được để ngỏ cho các quốc gia ký kết tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 4/2/1985. Tiếp sau sự phê chuẩn của nước ký kết thứ 20 thì Công ước đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.

Ngày 26/6 được công nhận là Ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn (International Day in Support of Torture Victims) để vinh danh Công ước này. Tính đến tháng 3/2016, Công ước đã có 158 quốc gia thành viên và 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Các thành viên của Công ước chủ yếu là ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, các nước châu Á đã phê chuẩn Công ước này chủ yếu là khu vực Trung Á.

Ngày 7/11/2013, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc, đã thay mặt Chính phủ ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (Công ước chống tra tấn).

Đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Phát biểu sau lễ ký, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc ký Công ước thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người. Việc ký Công ước cũng là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc tham gia Công ước chống tra tấn sẽ tạo thêm điều kiện để các cơ quan chức năng của nước ta tiếp tục nâng cao nhận thức, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người tại Việt Nam.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/y-nghia-su-ra-doi-cua-cong-uoc-chong-tra-tan-441275.html