Y sĩ về quê trồng nấm
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phạm Ngọc Thạch Cần Thơ với tấm bằng y sĩ và có việc làm ổn định, nhưng Danh Tâm, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) lại chọn con đường trở về quê mở cơ sở trồng nấm bào ngư.
Tận dụng khoảng đất trống cạnh nhà của ba mẹ, chàng trai sinh năm 1995 Danh Tâm dựng trại trồng nấm bào ngư xám có diện tích gần 60m2. Trên diện tích này, anh Tâm bố trí nhà kho chứa phôi giống, máy móc, thiết bị. Tâm đặt tên cơ sở của mình là trại nấm sạch Tâm Sương.
Thành công bước đầu giúp anh Tâm tự tin mở rộng trại nấm hiện tại lên 200m2. Mỗi tháng, trại nấm Tâm Sương chỉ tập trung xử lý, điều chỉnh để nấm nở rộ, thu hoạch trong vòng 4 ngày gồm ngày 30, mùng 1 và 14, ngày rằm âm lịch, vốn là thời điểm nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh.
Trong trại nấm, anh Tâm bố trí sản xuất 2 lứa nấm xoay vòng, tránh tình trạng đứt hàng. Mỗi lứa trồng nấm kéo dài 2,5 tháng, anh sản xuất 6.000 bịch phôi giống, bình quân cho thu hoạch khoảng 1,5-1,8 tấn nấm tươi thương phẩm. Với giá bán từ 45.000-50.000 đồng/kg nấm tươi, bình quân mỗi vụ, sau khi trừ chi phí, anh Tâm có lãi từ 30-35 triệu đồng.
Ngoài bỏ mối cho tiểu thương tại các chợ truyền thống, anh Tâm còn tự đóng gói, gắn nhãn mác, thương hiệu, giúp nâng giá trị sản phẩm nấm thương phẩm khi đưa ra thị trường.
“Năm 2022, sản phẩm nấm bào ngư Tâm Sương tiêu thụ mạnh tại xã Thạnh Lộc và một số chợ ở huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá. Tôi hoàn thiện nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dự định tạo thêm một số sản phẩm chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Tâm cho hay.
Phôi giống sau khi ươm trồng tầm 15 ngày cho một lứa nấm thu hoạch, mỗi tháng thu hoạch làm 2 đợt, mỗi lứa nấm thu hoạch cách nhau chừng 15 ngày. Phôi nấm sau khi trồng, nếu chăm sóc, tưới nước hợp lý, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong trại nấm có thể cho thu hoạch trong thời gian tầm 2,5-3 tháng.
Theo lời anh Tâm, trồng nấm không khó, song đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vững kỹ thuật. Nhà trồng nấm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, khô thoáng, bố trí độ ẩm. Thời gian đầu đến với nghề trồng nấm bào ngư xám anh Tâm gặp nhiều khó khăn như mua phôi giống không chất lượng, các tiêu chí về môi trường, nhiệt độ trại nấm không đảm bảo khiến nấm dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công.
Anh Tâm nói: “Lúc mới trồng tôi thất bại, thua lỗ gần 15 triệu đồng. Tôi không nản, quyết tâm học hỏi từ những người đi trước. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nghiên cứu thêm, tôi đúc kết sau thu hoạch nấm phải diệt khuẩn, rửa và phơi nền để diệt rong rêu, mầm bệnh. Đặc biệt, phải chọn cơ sở uy tín để nhận phôi giống”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lộc Phùng Văn Trị An cho biết: “Ấp Thạnh Hưng có 726 hộ, trong đó có đến 82% hộ đồng bào dân tộc Khmer. Mô hình trồng nấm bào ngư theo hướng an toàn của anh Tâm khá mới. Hội rất quan tâm nên sẽ tạo điều kiện để anh Tâm tham gia học nghề trồng nấm và tranh thủ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để anh Tâm đầu tư máy móc, chuyên nghiệp hóa sản phẩm...”.
Bài và ảnh: AN LÂM
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/y-si-ve-que-trong-nam-16933.html