Y tế TP.HCM vươn lên trở thành trung tâm Đông Nam Á
Sau 50 năm thống nhất, ngành y tế TP.HCM đạt được những bước tiến vượt bậc. TP.HCM đã nhận diện những hạn chế, điểm nghẽn cần nhanh chóng khắc phục và đang tiếp tục đầu tư các công trình trọng điểm, với những bệnh viện ngàn tỷ, phát triển y tế vùng ven và xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế hàng đầu Đông Nam Á.
Nhi khoa phát triển vượt bậc
Đầu năm 2024, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp Bệnh viện Từ Dũ lần đầu tiên thực hiện thành công hai ca thông tim bào thai, mở ra cơ hội sống cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh ngay từ trong bụng mẹ. Trước đây, những trường hợp này thường tử vong trước hoặc ngay sau sinh.

Em bé được thông tim xuyên bào thai ra đời khỏe mạnh. (Ảnh Bệnh viện Từ Dũ)
Đây là một kỹ thuật rất khó, mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển. Do vậy, ca mổ đầu tiên này tại Đông Nam Á đã đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực can thiệp bào thai, được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu ngành y tế TP.HCM năm 2024 .
Chị Nguyễn Phùng Phương Anh, một trong 5 trường hợp được can thiệp tim bào thai thành công, chia sẻ: “Lúc bấy giờ chưa có nhiều ca can thiệp bào thai. Sau khi can thiệp thành công và sinh ra, đến nay bé rất khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Gia đình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc”.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng lãnh đạo 2 bệnh viện và ekip thông tim can thiệp bào thai hội ý trước can thiệp. (Ảnh Sở Y tế TP.HCM)
Trong số 3 bệnh viện nhi chuyên khoa tại TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển nhi khoa toàn thành phố.
Từ năm 2004, bệnh viện này bắt đầu triển khai phẫu thuật tim, đến nay đã phẫu thuật cho hơn 5.000 trẻ và can thiệp tim cho hơn 8.000 ca. Nhờ đó tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở trẻ giảm ngoạn mục, từ 7,7% xuống còn 0,45% vào năm 2022.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đơn vị đã đạt chuẩn hồi sức sơ sinh cấp độ 4 - mức cao nhất theo chuẩn quốc tế. Trong 20 năm, tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm từ 10% xuống dưới 1%.
“Về bệnh lý chuyển hóa bẩm sinh di truyền thì trung tâm sơ sinh của Nhi Đồng 1 là cơ sở tiên phong trong việc chẩn đoán sớm, phát hiện sớm. Trước đây, các cháu gần như là tử vong, bây giờ chúng ta chẩn đoán sớm có thể điều trị và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho các cháu. Trước đây bệnh lý tim bẩm sinh gần như không điều trị được, phải đem ra nước ngoài, tốn kém rất nhiều. Bây giờ làm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và triển khai cho các tỉnh phía Nam, cứu sống gần như tất cả các cháu”, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. (Ảnh bệnh viện cung cấp).
Bệnh viện Nhi Đồng 2 là một trong những đơn vị đầu tiên cả nước triển khai ghép thận, gan cho trẻ em. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện 49 ca ghép gan và 35 ca ghép thận. Thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại đây.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Điều quan trọng nhất vẫn là con người. Tất cả bộ phận liên quan đến công tác ghép tạng, ê-kíp ghép luôn được cập nhật, trau dồi. Chúng tôi gửi các bác sĩ qua Bệnh viện West Mead ở Sydney - Úc để cập nhật kỹ thuật mới. Chúng tôi vẫn tiếp nhận các đoàn chuyên gia nước ngoài về ghép tạng, để khi tiếp nhận Trung tâm ghép tạng thì chúng tôi thực hiện liền, thực hiện tốt và tăng tốc”.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã xây dựng Trung tâm Ung thư trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, với đầy đủ các chuyên khoa cho một quy trình điều trị ung thư trẻ em, từ hóa trị, phẫu trị, xạ trị đến y học hạt nhân và chăm sóc giảm nhẹ, đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh lý ung thư ở trẻ em bằng kỹ thuật cao, ngang tầm các bệnh viện nhi trong nước và khu vực.

Hệ thống máy DSA chuẩn bị can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân tắc mạch máu trong não. (Bệnh viện Nhân dân 115)
Vươn tầm chất lượng quốc tế
Trong lĩnh vực sản phụ khoa, trước đây chưa có xét nghiệm tầm soát tiền sản, thai phụ đi khám thai chủ yếu để theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua các chỉ số đơn giản như cân nặng, huyết áp của mẹ...; tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh rất cao do chưa có siêu âm, xét nghiệm máu, không có chọc ối để tầm soát dị tật.
Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đến thời điểm này, có thể khẳng định ngành sản phụ khoa TP.HCM không thua kém gì các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện ngành y đã làm chủ kỹ thuật sàng lọc trước sinh hiện đại, tỷ lệ tử vong bà mẹ ở mức thấp. Tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công cao (đạt 50 - 60%), ngang bằng các nước tiên tiến, trong khi chi phí điều trị thấp hơn các nước lân cận.

Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đón nhận Chứng nhận chất lượng bệnh viện quốc tế ACHS. (Ảnh: Kim Dung)
Bệnh viện Hùng Vương - bệnh viện sản phụ khoa hạng 1 tuyến trung ương của TP.HCM, năm 2024 đã đạt Tiêu chuẩn Chăm sóc sức khỏe theo EQuIP7 - phiên bản mới nhất từ ACHS International của Australia, trở thành bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế này.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Điều quan trọng nhất trong 20 năm qua là tỷ lệ thành công sau thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Hùng Vương tăng lên một cách ngoạn mục. Nếu 10 năm đầu chỉ có 500 đứa trẻ ra đời thì 10 năm sau chúng tôi đã có 1.500 đứa trẻ ra đời. Chúng tôi tự hào vì cung cấp một dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng chi phí lại rất Việt Nam”.
Trong khi đó, từ năm 1990 Bệnh viện Từ Dũ đã tiên phong ứng dụng phẫu thuật nội soi phụ khoa. Đây cũng là “chiếc nôi” đầu tiên của hệ thống y tế cả nước về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
Ngày 30/4/1998 - kỷ niệm 23 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 3 em bé đầu tiên đã ra đời lành lặn và khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện trên 16.300 ca thụ tinh ống nghiệm.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Cụm y tế Tân Kiên. (Ảnh Sở Y tế)
Trong lĩnh vực điều trị đột quỵ - nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới, ngành y tế TP.HCM có những bước tiến nổi bật. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, lượng bệnh nhân điều trị đột quỵ bằng kỹ thuật chuyên sâu ngày càng tăng. Từ năm 2021, trung bình bệnh viện tiếp nhận hơn 10.000 ca đột quỵ mỗi năm, đến 2024, con số này là hơn 17.000, tăng cao nhất từ trước đến nay, chiếm gần 1/10 số bệnh nhân đột quỵ của cả nước.
Theo BSCK II Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, chuyên môn điều trị đột quỵ đã đạt trình độ ngang tầm quốc tế. Hiện bệnh viện bổ sung thêm 2 mũi nhọn là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu và mũi nhọn can thiệp mạch máu chuyên sâu.
“Bệnh viện Nhân dân 115 cùng với các cơ sở y tế khác của thành phố giúp đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho hơn 100 đơn vị đột quỵ trong cả nước, góp phần phát triển mạng lưới đột quỵ của thành phố cũng như mạng lưới đột quỵ của Việt Nam”, BSCK II Trần Văn Sóng chia sẻ.
Về ngoại khoa, ngành y tế TP.HCM cũng từng bước đưa một số lĩnh vực đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đặc biệt là các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, như phẫu thuật nội soi, can thiệp nội soi qua ngả tự nhiên, can thiệp nội mạch, phẫu thuật Robot... mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay diện mạo mới của ngành y tế TP dần hình thành rõ nét. Trong đó, nổi bật là Cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên ở huyện Bình Chánh, được quy hoạch với diện tích lên đến 73 ha nằm ở cửa ngõ phía tây TP.HCM. Cụm y tế này sẽ trở thành “campus y tế” đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình Viện - Trường, với các bệnh viện, trường y khoa hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sánh ngang với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Tại đây có Bệnh viện Nhi đồng Thành phố quy mô 1.000 giường, hoạt động từ tháng 6/2018. Năm 2020, bệnh viện triển khai thành công ca đại phẫu tách cặp song sinh dính nhau Trúc Nhi và Diệu Nhi, do đội ngũ y bác sĩ cùng các chuyên gia hàng đầu của ngành y tế TP.HCM thực hiện.
Giai đoạn mới, TP.HCM đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như Trung tâm Cấp cứu 115 cơ sở 2, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng Máu, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao và Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Các công trình này được quy hoạch theo mô hình y tế xanh, tích hợp nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh. Cụm y tế này sẽ kết nối với Vành đai 3 và tuyến Metro số 3, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tải cho các bệnh viện nội đô.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/y-te-tphcm-vuon-len-tro-thanh-trung-tam-dong-nam-a-post1192167.vov