Y thuật giỏi và trái tim nhân hậu

Mặc dù theo lịch hẹn làm việc với Đại tá, PGS, TS Nhữ Đình Sơn, Phó chủ nhiệm Bộ môn, Chủ nhiệm Khoa, Bộ môn-Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) vào đầu giờ chiều, nhưng khi đến nơi, chúng tôi phải chờ khá lâu bởi bệnh nhân ra vào liên tục. Cho đến khi ngồi làm việc, cuộc trao đổi cũng luôn bị gián đoạn, khi thì các bác sĩ vào xin ý kiến về chuyên môn, lúc bệnh nhân đến khám theo lịch hẹn...

Vượt hàng nghìn cây số về chữa bệnh

Trong lúc chờ đợi, bên hành lang khu điều trị, chúng tôi tình cờ gặp gỡ, trò chuyện với chị Vũ Viết Xô, 52 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và được biết chị vượt gần 7.200km từ Saint Petersburg, Liên bang Nga về Việt Nam để chữa bệnh. Chị Xô bộc bạch: “Tôi bị đau lưng dai dẳng, ngồi lâu đứng lên hay đêm nằm trở mình rất khó khăn, thậm chí có lúc hắt hơi cũng đau. Sau thời gian chữa trị ở bên Nga, bệnh chưa thuyên giảm, tôi nghỉ phép về nước thăm gia đình kết hợp chữa bệnh, nay đã điều trị được 4 liệu trình, kết quả rất tốt”. Trước đó, khi đến Bộ môn-Khoa Thần kinh khám bệnh, các bác sĩ cho chị chụp cộng hưởng từ, phát hiện bị thoái hóa đốt sống lưng, đau rễ thần kinh thắt lưng và được chỉ định đeo đai, điều trị theo phương pháp tiêm thuốc vào khoang ngoài màng cứng CS. Đây là kỹ thuật khá đơn giản, song hiệu quả rất cao, trong nhiều trường hợp ít xâm lấn, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải phẫu thuật. Sau một tháng, bệnh tình của chị Xô thuyên giảm 80-90%. Trong số những bệnh nhân Việt kiều, có nhiều trường hợp từ Đức, Séc, Mỹ… về điều trị và hồi phục khá tốt, không còn cơn đau nặng hoành hành.

 Bác sĩ Bộ môn-Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 thực hiện kỹ thuật “Ghi điện sợi cơ đơn độc kích thích sử dụng kim đồng tâm trong chẩn đoán bệnh nhược cơ”. Ảnh: KHOA NAM

Bác sĩ Bộ môn-Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 thực hiện kỹ thuật “Ghi điện sợi cơ đơn độc kích thích sử dụng kim đồng tâm trong chẩn đoán bệnh nhược cơ”. Ảnh: KHOA NAM

Trung tá Phạm Thanh Trâm, Phó chính ủy Trung đoàn 213, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa cột sống cổ có chèn ép dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm c4, c5 rất đau ở vùng vai, cổ, gáy. Từ kết quả khám, tôi được điều trị theo phác đồ kết hợp tiêm thuốc và vật lý trị liệu. Ở Bệnh viện Quân y 103, mọi bệnh nhân đều được các thầy thuốc chăm sóc tận tình, chu đáo”.

Đại tá, PGS, TS Nhữ Đình Sơn cho rằng: “Phát triển các kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng điều trị là yêu cầu sống còn đối với sự phát triển của bệnh viện nói chung, đơn vị nói riêng. Và một trong những thành công mà Bộ môn-Khoa Thần kinh thực hiện thời gian qua là triển khai nhiều kỹ thuật mới, tiêu biểu như: Sinh thiết đốt sống qua da, điện cơ kim, điện cơ sợi đơn chẩn đoán nhược cơ, điện thế kích thích thị giác, cảm giác, điện não video; các kỹ thuật điều trị như: Giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da, phong bế khoang ngoài màng cứng cột sống cổ, kỹ thuật hai kim điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng... Đây là những kỹ thuật mới, lần đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103, có kỹ thuật lần đầu được áp dụng ở khu vực phía Bắc”.

Tinh thần phục vụ được đặt lên hàng đầu

Xuyên suốt trong tiến trình phát triển, chỉ huy đơn vị luôn đi đầu, chủ động tìm tòi, học hỏi, ứng dụng kỹ thuật, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tận tình truyền dạy cho các bác sĩ trẻ, tạo nên những nhóm làm việc đoàn kết, có hiệu quả, gắn lý thuyết trên giảng đường với kỹ năng thực hành lâm sàng. Ngoài chức năng điều trị, Bộ môn-Khoa Thần kinh còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bình quân hằng năm, bộ môn-khoa giảng dạy cho học viên đại học, sau đại học gần 10.000 tiết (khoảng 800 tiết/giáo viên/năm, vượt mức so với chỉ tiêu 320 tiết); các giảng viên còn tham gia hội đồng chấm chuyên đề, tiểu luận tổng quan cho nghiên cứu sinh, luận án tiến sĩ, luận văn bác sĩ chuyên khoa (CK) II, cao học và đề tài tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; tham gia đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, CKII, CKI, bác sĩ nội trú...

 Thực hiện kỹ thuật “Tiêm ngoài màng cứng cột sống cổ” cho bệnh nhân điều trị tại Bộ môn-Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103.

Thực hiện kỹ thuật “Tiêm ngoài màng cứng cột sống cổ” cho bệnh nhân điều trị tại Bộ môn-Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103.

Kể từ những ngày đầu mới thành lập (31-3-1960), bộ môn-khoa đã trải qua nhiều lần tách nhập, từ Tổ chuyên khoa Thần kinh-Tâm thần thuộc Khoa Nội, đến năm 2018 có tên gọi chính thức là Bộ môn-Khoa Thần kinh. Đại tá, PGS, TS Phan Việt Nga, Chủ nhiệm bộ môn giới thiệu: “Ban đầu chỉ có vài ba bác sĩ, vừa điều trị vừa đào tạo, lại chịu sự phá hoại và phải di tản trong chiến tranh, nhiều cán bộ, nhân viên được cử đi chiến trường B phục vụ chiến đấu, chăm sóc thương binh, bệnh binh, đến nay, Bộ môn-Khoa Thần kinh có 29 GS, PGS, bác sĩ CKII, điều dưỡng viên giỏi và cũng là một trong những nơi điều trị cấp cứu tuyến cuối chuyên ngành thần kinh với nhiều bệnh nhân nặng”.

Trong điều kiện hiện nay, tuy còn gặp không ít khó khăn do bệnh viện đang xây dựng, cán bộ, nhân viên thiếu, hoạt động phân tán, song mỗi năm, khoa thu dung, điều trị khoảng 3.000 lượt bệnh nhân. Theo đó, trung bình một bác sĩ điều trị cho hơn 320 lượt bệnh nhân. Số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân tại khoa từ 12 đến 13 ngày. Gần 3 năm qua, Bộ môn-Khoa Thần kinh đã khám, điều trị nội trú, ngoại trú cho hơn 50.000 lượt bệnh nhân. Lịch sử chặng đường 60 năm qua ghi nhận, cán bộ, nhân viên Bộ môn-Khoa Thần kinh luôn kế thừa, phát huy tốt truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, trang bị cho mình kiến thức giỏi về y thuật, kỹ thuật, có trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề, hết mực vì người bệnh.

Đại tá Trần Tấn Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, khẳng định: “Trong suốt hành trình xây dựng, phát triển, trưởng thành, ở thời kỳ nào, tinh thần phục vụ, lấy chất lượng giảng dạy, đào tạo, lấy người bệnh làm trung tâm cũng được các thế hệ thầy thuốc của Bộ môn-Khoa Thần kinh đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, công tác nghiên cứu khoa học được ưu tiên, đã có hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, học viện áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị. Với những đóng góp của khoa qua các thời kỳ, không ít tập thể, cá nhân vinh dự được Nhà nước, quân đội ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý”.

VŨ QUANG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/y-thuat-gioi-va-trai-tim-nhan-hau-613710