Yên Bái: 400 hộ hiến đất, mở đường nối bản nghèo với trung tâm huyện
Tuyến Suối Quyền - Sùng Đô dài 20km không chỉ mở lối đi lại, mà còn mở tương lai cho vùng cao Văn Chấn (Yên Bái cũ).
400 hộ dân hiến đất mở đường
Những năm cuối thế kỷ XX, đường vào Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái cũ) gần như ngoài bản đồ giao thông. Bản vùng cao người Mông nằm heo hút giữa rừng, muốn đến phải mất nửa ngày đi bộ, vượt rừng, băng suối, dắt xe qua dốc đá.
Khi đó, đường chỉ là vệt đất đỏ loang lổ, mùa mưa trơn trượt, mùa khô bụi mù, “xe máy” còn xa xỉ, chưa nói đến ô tô hay đường bê tông.
Đến năm 2025, tuyến đường Sơn Lương - Suối Quyền - Sùng Đô - Nậm Mười dài hơn 20km được bê tông hóa, nối bản với trung tâm huyện chưa đầy một giờ chạy xe. Từ “vùng lõm giao thông”, nơi đây thành biểu tượng bứt phá hạ tầng vùng cao, mở ra cánh cửa hạnh phúc theo đúng mục tiêu Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025.



Người dân Sùng Đô thay nhau làm đường nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trước năm 2000, Sùng Đô là một trong những xã đặc biệt khó khăn của Yên Bái, thuộc diện 135. Đường vào xã chỉ là lối mòn đất, đi bộ 5-6 tiếng mới ra Suối Quyền - Nghĩa Lộ.
Giao thông cách trở, đời sống thiếu thốn đủ bề. Đưa người bệnh nặng xuống huyện là hành trình đánh cược với thời gian, thời tiết. Trường học dựng tạm bằng nứa, giáo viên đi rừng, ngủ lán, mang theo lương thực để bám bản.
Sau 4 năm thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái (cũ) đã kiên cố hóa 1.885/900km đường bê tông, đạt 209,4%. Bên cạnh đó, tỉnh còn mở rộng 91,1/100km mặt đường, đạt 91,1%; mở mới, mở rộng 312,4/150km đường đất, đạt 208,3%; xây dựng 1.565/1.000 công trình thoát nước các loại, đạt 156,6% kế hoạch. Tổng nguồn vốn đầu tư Đề án đạt trên 1.392,6 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 712,9 tỷ đồng.
Ông Giàng A Vư, nguyên Chủ tịch UBND xã Sùng Đô (1998-2005) nhớ lại: “Mỗi kỳ tiếp tế gạo, cán bộ xã phải đi ngựa mất cả ngày. Trời mưa là xã gần như bị cô lập. Người dân không ra chợ được, trẻ em nghỉ học cả tuần vì không thể vượt suối".
Đường chưa có, “niềm tin” cũng chưa về. Sùng Đô như thung lũng bị bỏ quên, quanh năm mù sương, tách biệt hoàn toàn với sự phát triển của đồng bằng.
Tỷ lệ hộ nghèo trên 70%, mù chữ cao, hơn nửa số hộ chưa có điện từng là nỗi day dứt của chính quyền địa phương.
Bước ngoặt đến sau năm 2020, khi Yên Bái xác định phát triển hạ tầng vùng cao là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với mục tiêu nâng “chỉ số hạnh phúc” của người dân. Chỉ số này đo bằng mức độ hài lòng, khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, sự gắn bó với cộng đồng và chính quyền.
Tuyến đường Suối Quyền - Sùng Đô được phê duyệt theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Gần 400 hộ dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, di dời hoa màu, có hộ nhường cả vạt nương duy nhất để mở đường qua bản.
Ông Đỗ Việt Bách, nguyên Giám đốc Sở GTVT Yên Bái (2020-2025), chia sẻ: “Không có chỉ số hạnh phúc nào tăng nếu người dân còn gùi thóc ra chợ. Con đường này không chỉ là hạ tầng, mà là bước ngoặt tư duy: Lấy cơ sở vật chất làm nền, lấy sự đồng thuận làm sức mạnh".
Sau hơn hai năm thi công, tuyến đường 20km được đổ bê tông rộng 6,5m, có rãnh thoát nước, hộ lan chống sạt. Giờ đây, xe máy, xe bán tải chạy thẳng lên bản Ngã Hai, nông sản như thảo quả, quế, mật ong rừng ra chợ chưa đầy 40 phút.
Không còn là thung lũng bị bỏ quên
Những con số biết nói: Đến năm 2025, 100% hộ dân Sùng Đô có điện lưới, 95% dùng nước hợp vệ sinh, 100% trẻ đến trường đúng tuổi. Trạm y tế được đầu tư mới, có cán bộ trực 24/24h. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% xuống dưới 35% chỉ sau một nhiệm kỳ. Người dân bắt đầu nuôi bò sinh sản, trồng dược liệu, học chế biến nông sản.
Anh Giàng A Dê, thôn Sùng Đô, nay xã Sơn Lương (Lào Cai) vui mừng chia sẻ: “Giờ có đường, xe vào tận bản, bà con không còn mặc cảm với bên ngoài. Thanh niên học nghề, học lái xe, có bạn xin việc khu công nghiệp rồi về mở xưởng cơ khí ngay tại quê”.
Trẻ con không còn lội suối đi học. Mùa đông có áo ấm, có điện sưởi. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy lại chính là thước đo xác thực nhất về hạnh phúc. Ở nơi từng là “điểm trắng hạ tầng”, hạnh phúc giờ đã có địa chỉ cụ thể.



Tuyến đường Suối Quyền - Sùng Đô dài hơn 20km đã được bê tông hóa, nối bản làng với trung tâm huyện trong chưa đầy một giờ chạy xe.
Sùng Đô, cùng Xà Hồ (Trạm Tấu) và Nậm Có (Mù Căng Chải), trở thành biểu tượng cho cách Yên Bái cũ (nay thuộc Lào Cai) thực hiện chính sách “không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng hành động cụ thể. Mỗi cây cầu, mỗi con đường bê tông xuyên núi không chỉ là công trình kỹ thuật, mà là công trình lòng dân.
Ông Đỗ Việt Bách, nguyên Giám đốc Sở GTVT Yên Bái (2020-2025) đúc kết: “Chúng tôi không phát triển vì thành tích, mà vì tương lai người dân. Khi đường đi thuận, con chữ đến lớp, người bệnh đến trạm, đó chính là hạnh phúc giản dị nhưng đầy đủ".
Từ 1/7/2025, Sùng Đô sáp nhập về xã Sơn Lương, tỉnh Lào Cai, bước sang trang mới, không còn là “vùng lõm” giao thông, mà trở thành “điểm nối” của niềm tin, hy vọng.
Con đường Suối Quyền - Sùng Đô không chỉ kết nối địa lý, mà còn kết nối quá khứ gian khó với hiện tại vươn lên, kết nối ý Đảng với lòng dân, để hạnh phúc không còn là điều xa vời.