Yên Bái bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) Yên Bái đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; xây dựng ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các trường học đẩy mạnh việc học lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua chương trình "Lớp học không biên giới”, học ngoại khóa tại Bảo tàng. Đến nay, đã có trên 60 nghìn lượt học sinh học tập, tham quan tại Bảo tàng, qua đó, giúp đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên có nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, hình thành ở cộng đồng và thế hệ trẻ cách suy nghĩ khoa học, góp phần giáo dục nhân cách, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Để "biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ngành VHTT&DL phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm của Đề án là thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ngành cũng đã tổ chức khảo sát, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, lập hồ sơ, trình xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa các cấp. Toàn tỉnh hiện có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; 574 di sản văn hóa phi vật thể (Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); 5 di sản văn hóa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng khôi phục và phát huy.
Hằng năm, ngành tiến hành bảo tồn từ 2 - 3 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tiếp tục bảo tồn, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống của các dân tộc; triển khai công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động thiết thực.
Việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng và tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch như: Liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái; Hội thi khèn Mông huyện Mù Cang Chải; Hội thi xòe Thái thị xã Nghĩa Lộ; lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò; Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội về miền đất Ngọc, huyện Lục Yên; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng”… góp phần giữ gìn, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thông qua lễ hội, du khách có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về những nét đẹp tiềm ẩn "Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, vùng đất thiên nhiên tươi đẹp với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách.
Cùng với đó, việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi được tỉnh Yên Bái ưu tiên thực hiện và đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
Đồng thời, ngành tham mưu đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, khích lệ nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, đến nay, toàn tỉnh có 82,3% hộ gia đình văn hóa, 69,2% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 89,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.....
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, Giám đốc Sở VHTT&DL Lê Thị Thanh Bình cho biết: Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa, xây dựng con người được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đặc biệt là Kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, khích lệ người dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Yên Bái với các địa phương trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Triển khai tốt các hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, khích lệ nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo động lực, sức mạnh tinh thần để cổ vũ, động viên nhân dân không ngừng sáng tạo, cống hiến, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.