Yên Bái chuyển đổi số nhanh, hiệu lực, hiệu quả
Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh với phóng viên (PV) Báo Yên Bái về những vấn đề liên quan đến quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
PV : Xin đồng chí đánh giá tổng quan về những kết quả nổi bật mà Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đạt được trong thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua và những thành tựu nào là đáng tự hào nhất?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Có thể khẳng định, đến thời điểm này, việc triển khai CĐS ở Yên Bái đang được làm khá tốt. Những kết quả nổi bật phải kể đến là:
Về hoàn thiện thể chế, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện thể chế CĐS để dẫn dắt, thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã ban hành trên 80 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Về nhận thức số, Sở đã tham mưu cho tỉnh lấy công tác tuyên truyền làm giải pháp dẫn đường nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS, kỹ năng về công nghệ số cho cán bộ, nhân dân. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, bài bản, thường xuyên, liên tục, sâu rộng trong toàn dân; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, đạt hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; chỉ đạo 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố thành lập và tổ chức hoạt động của mô hình Tổ CĐS cộng đồng.
Hạ tầng phục vụ CĐS, hạ tầng viễn thông, Internet được quan tâm phát triển. 100% thôn, bản, tổ dân phố có điện lưới đã có sóng điện thoại di động, Internet 4G; Internet băng rộng cố định phủ đến 98,8% thôn, bản, tổ dân phố; mạng di động 5G đã phủ sóng tại 4/9 huyện, thị xã, thành phố; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 99%; số thuê bao điện thoại/100 dân đạt trên 88 thuê bao; số thuê bao Internet/100 dân đạt trên 90%; tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang đạt trên 88%; tỷ lệ thuê bao Internet cáp quang hộ gia đình đạt gần 70%. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính có kết nối Internet phục vụ công việc...

Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh (thứ tư, phải sang) tặng hoa chúc mừng các đơn vị phối hợp triển khai phong trào "Bình dân học AI” tỉnh Yên Bái.
Cái được nhất, tự hào nhất của CĐS ở Yên Bái thời gian qua là Chỉ số CĐS (DTI) của tỉnh được Trung ương đánh giá, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 20 bậc so với năm 2020. Trên thực tế, nhận thức, ý thức, kiến thức về CĐS, kỹ năng công nghệ số cơ bản của toàn dân được nâng cao; người dân được thụ hưởng các giá trị của CĐS mang lại thông qua khai thác, sử dụng các nền tảng, công nghệ số...
PV : Hiện thực hóa mục tiêu CĐS toàn diện, Yên Bái đã triển khai những chương trình, đề án cụ thể nào? Đồng chí có thể thông tin chi tiết hơn về cách thức triển khai và nguồn lực được huy động cho các hoạt động này?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Hiện thực hóa mục tiêu CĐS toàn diện, Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, đề án trọng điểm, tạo hành lang pháp lý, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện. Các chương trình, đề án nổi bật như: Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025; Đề án CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2030; kế hoạch CĐS hàng năm của UBND tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chiến lược của Chính phủ về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số, dữ liệu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS giai đoạn 2023 - 2025... Sở đã tham mưu huy động tối đa nguồn lực để thực hiện các đề án, chương trình về CĐS đã xác định.
Đối với nguồn nhân lực, tập trung thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và CĐS, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; tập trung đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các tổ CĐS cộng đồng và phấn đấu đến hết năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp, thành viên tổ CĐS cộng đồng được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cơ bản.
Về nguồn lực tài chính, Sở phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực tài chính từ ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn lực tài chính của Trung ương để triển khai các chương trình, dự án CĐS theo lộ trình đã xác định đến năm 2030. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực tài chính trong khu vực tư nhân thông qua đầu tư hạ tầng, nền tảng công nghệ số, đặc biệt tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, hợp tác từ các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, Viettel trong phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực, chuyển giao phần mềm...
PV : Quá trình CĐS, tỉnh gặp những thách thức, khó khăn gì? Sở có những giải pháp nào để khắc phục hiệu quả những trở ngại đó, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh : Quá trình thực hiện CĐS, Yên Bái gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng mạng viễn thông, Internet, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu đồng bộ; kiến thức, kỹ năng số của một bộ phận cán bộ, người dân hạn chế, chưa hình thành được thói quen sử dụng công nghệ số thường ngày; việc tạo lập, phát triển dữ liệu số, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm.
Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP còn thấp; CĐS trong doanh nghiệp còn hạn chế; việc tiếp cận, ứng dụng các công nghệ số mới vào các ngành, lĩnh vực kinh tế tạo ra giá trị mới còn chậm. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi tham gia môi trường mạng...
Để khắc phục, Sở đã triển khai các giải pháp như: đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông tỉnh đề xuất với các tập đoàn ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng mạng viễn thông, Internet trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung xóa "vùng lõm” sóng di động 3G, 4G và phát triển vùng phủ sóng 5G; triển khai các dự án phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, bao gồm mạng LAN và các thiết bị đầu cuối; tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt đã phát động tổ chức các chiến dịch phổ cập nền tảng, công nghệ số thiết yếu cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tập trung số hóa, cập nhật thông tin, dữ liệu vào các nền tảng dùng chung, chuyên ngành đã xây dựng, thực hiện kết nối, chia sẻ khai thác dữ liệu dùng chung; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng đặc trưng riêng của tỉnh; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy CĐS trong các loại hình doanh nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, duy trì hoạt động của Trung tâm Giám sát an ninh mạng tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cán bộ, nhân dân các kỹ năng số để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, thành viên Đội ứng cứu an toàn thông tin tỉnh...
PV : Thời gian tới, Sở có những kế hoạch và định hướng phát triển nào mới trong lĩnh vực CĐS? Đâu sẽ là những ưu tiên hàng đầu và những lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để phát triển?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Để thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS, thời gian tới, Sở tập trung vào một số định hướng sau: tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã xác định về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia; tiếp tục hoàn thiện thể chế về CĐS của tỉnh bảo đảm đúng quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở chính trị và pháp lý, khơi thông mọi nguồn lực; xây dựng, tổ chức triển khai chương trình tổng thể phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân "Bình dân học vụ số”, bảo đảm phù hợp theo từng cấp độ, từng đối tượng, gắn lý thuyết với thực hành, gắn học tập với đánh giá, xác định trình độ của người học và công tác thi đua - khen thưởng, tạo sức hấp dẫn để người học chủ động, tích cực tham gia, hình thành được thói quen sử dụng công nghệ số trong cuộc sống thường ngày.
Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng mạng viễn thông, Internet băng thông rộng, tốc độ cao; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin, CĐS vào làm việc trong hệ thống chính trị; thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức các cấp; kiện toàn tổ chức, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thành viên Tổ CĐS cộng đồng; triển khai hiệu quả Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để hướng tới 100% thủ tục hành chính được cung cấp theo hình thức trực tuyến, không phụ thuộc địa giới hành chính và 100% hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh được giải quyết theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình...
Sở sẽ tập trung chỉ đạo phát triển hạ tầng phục vụ CĐS, trọng tâm là mạng viễn thông, Internet băng thông rộng, tốc độ cao; hỗ trợ người dân tiếp cận thiết bị thông minh để CĐS; tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đa dạng hóa các kênh thông tin tương tác 2 chiều giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; phổ cập kiến thức, kỹ năng, các nền tảng, công cụ số thiết yếu cho toàn dân thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, phong trào "Bình dân học vụ số”, phổ cập các công cụ trí tuệ nhân tạo cho người dân sử dụng để phục vụ công việc, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh mới có ứng dụng công nghệ số; hoàn thiện các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực gắn với xây dựng các ứng dụng, mở dữ liệu để người dân, doanh nghiệp tiếp cận khai thác, sử dụng... Tất cả vì mục tiêu CĐS nhanh, hiệu lực, hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thiên Cầm ( thực hiện)