Yên Bái: Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học cho nông dân
Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, nhằm ứng dụng mang lại giá trị thực tiễn cho nông dân ở các vùng sản xuất.
Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái (Sở Khoa học- Công nghệ) được hợp nhất giữa Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng từ tháng 7/2018 theo Quyết định số 812, ngày 30/5/2018 của UBND tỉnh Yên Bái.
Với đặc thù tỉnh miền núi, việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong nông nghiệp. Do đó, thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, nhằm ứng dụng mang lại giá trị thực tiễn cho nông dân ở các vùng sản xuất.
Ông Lê Viết Bảo - Giám đốc Trung tâm cho biết: Nhiều ứng dụng đã mang lại hiệu quả thực tiễn với đời sống của người dân như đề tài nghiên cứu một số giống na nhập nội tại huyện Văn Chấn; đề tài nghiên cứu phát triển một số giống nấm, đặc biệt là nấm Linh Chi... Hàng năm, Trung tâm đã tổ chức từ 10 - 15 lớp tập huấn chuyển giao các ứng dụng tiến bộ KHKT cho trên 600 lượt hộ nông dân.
Trung tâm hiện duy trì hoạt động của Trạm nghiên cứu thực nghiệm tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái nhằm xây dựng hiện trường thí nghiệm cho các đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Đồng thời tạo môi trường, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ Trạm nghiên cứu, thực nghiệm tiếp cận với kiến thức mới, những phương pháp khoa học mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Trưởng Trạm nghiên cứu chia sẻ: Cùng với việc triển khai các đề tài, dự án, Trạm cũng đã xây dựng thành công một số mô hình thử nghiệm. Từ kết quả đó, Trạm đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao cho bà con tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. Qua đó, người dân đã nắm bắt được cái quy trình kỹ thuật và có thể áp dụng tại địa phương và gia đình.
Các mô hình, đề tài, dự án khoa học được thực hiện đã góp phần đưa các tiến bộ KHKT đến các hộ dân tham gia, tạo ra được các sản phẩm chất lượng, khẳng định sự trưởng thành về trình độ chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ cán bộ Trung tâm qua từng năm.
Bà Hoa cho biết thêm, sau thành công của đề tài khoa học "Nghiên cứu tính thích ứng của giống na nhập nội" – một trong những đề tài được đánh giá là mang lại hiệu quả cao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình này cho người dân xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, góp phần giúp người dân nơi đây có thêm cơ hội thoát nghèo và làm giàu.
Tại Khánh Hòa, cùng với việc hỗ trợ trực tiếp cây giống, phân bón, các cán bộ Trung tâm được cử xuống theo dõi sát sao, hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây na sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Anh Nông Văn Tấn - thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa cho biết: Sau 6 tháng trồng, tôi thấy cây na phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Trong quá trình trồng na, gia đình tôi được Trung tâm hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình nhà tôi trồng từ tháng 10/2023 cho đến nay cây đã phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Ông Lê Viết Bảo - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin Khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ KHCN để tổ chức triển khai theo hướng ứng dụng có hiệu quả; duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nông nghiệp tại Trạm nghiên cứu thử nghiệm tại xã Minh Bảo. Cùng với đó, Trung tâm sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế về cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư để tiếp tục thực hiện tốt công tác phục vụ quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng.
Nỗ lực trong nghiên cứu, chuyển giao kết quả các đề tài khoa học trong nông nghiệp, các cán bộ Trung tâm đã giúp nông dân Yên Bái có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra.