Yên Bái làm gì để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản?

Nông, lâm sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp chế biến mặt hàng này chưa phát triển, chủ yếu chế biến thô nên giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp. Vậy, làm gì để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản?

Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam, huyện Yên Bình.

Chế biến gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH ngành gỗ Sâm Duệ Việt Nam, huyện Yên Bình.

Với định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã ban hành và chú trọng triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, tỉnh đã chú trọng quy hoạch, xác định rõ thế mạnh của từng vùng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực để kêu gọi đầu tư; ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ để phục vụ doanh nghiệp. Nhờ đó, Yên Bái đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đến nay, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đã thu hút được 48 dự án, tổng vốn đăng ký 5.270,7 tỷ đồng và 78,6 triệu USD. Cùng với đó, hàng nghìn hộ dân, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất cũng hưởng ứng, đầu tư vào khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nông sản, phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nông, lâm sản đã trở thành một trong 4 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm nay, nhóm nông, lâm sản; nông, lâm sản chế biến đã đem về cho Yên Bái trên 56,6 triệu USD, chiếm 35% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông, lâm sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu còn thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là công nghiệp chế biến chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện các sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô, phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị chưa cao, tổn thất nhiều. Mặc dù thời gian qua các địa phương, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến song công nghệ chế biến mới có được trong một số lĩnh vực như chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản phẩm quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn, song các sản phẩm này công nghệ chế biến và thiết bị còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm chưa cao.

Điển hình là ngành chế biến tinh dầu quế, vốn được coi là thế mạnh của tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu quế. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô với hàm lượng tinh dầu quế đạt 82 - 85%, giá trị thấp. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế gặp nhiều khó khăn do giá bán tinh dầu quế không những giảm sâu mà sản phẩm không tiêu thụ được, khiến các nhà máy chế biến tinh dầu quế hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất.

Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính nhất vẫn là chất lượng các sản phẩm ngành hàng quế chưa đáp ứng được các thị trường cao cấp, hiện chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc khi đối tác ngừng hoặc hạn chế mua thì các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một trong những cây trồng từng được coi là thế mạnh của tỉnh là cây chè. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng trên 50 cơ sở chế biến chè các loại, tuy nhiên chỉ có khoảng 12 nhà máy chế biến chè đen sản phẩm hoàn thành đủ xuất khẩu, còn lại ở hình thức sơ chế. Song, do công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm xuất khẩu ủy thác qua các công ty thương mại dẫn đến giá trị ngành chè thấp, khiến nhiều thời điểm người làm chè không sống được với chè dẫn đến diện tích chè toàn tỉnh liên tục sụt giảm. Bên cạnh công nghệ chế biến lạc hậu, nhiều sản phẩm nông nghiệp có dư địa tốt nhưng chưa được đầu tư sơ chế biến dẫn đến sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp.

Để khắc phục những tồn tại này, Yên Bái cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa các cơ sở chế biến nông sản. Trước tiên, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cung cấp đủ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến.

Thứ hai, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển các nhà máy, xí nghiệp chế biến với công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hiện đại. Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến, đồng thời phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thứ tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, logistics phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Xây dựng và nâng cấp mạng lưới đường giao thông, kho bãi để tăng khả năng liên kết giữa vùng sản xuất với các trung tâm chế biến và tiêu thụ.

Thứ năm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến. Đặc biệt là sử dụng công nghệ bảo quản, đóng gói hiện đại để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, phát triển các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, có giá trị gia tăng lớn. Thực hiện tốt các giải pháp trên, Yên Bái sẽ từng bước trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông sản lớn của khu vực Tây Bắc, góp phần gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Nguyễn Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/324083/yen-bai-lam-gi-de-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-lam-san.aspx