Yên Bái mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa
Với tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế là một trong những nhiệm vụ đang được tỉnh Yên Bái triển khai với mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 ha cây dược liệu phát triển ổn định, nhân rộng các giống dược liệu quý, có năng suất, chất lượng cao.
Là địa phương có thế mạnh để phát triển vùng dược liệu quy mô lớn, nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích dược liệu như: phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng dược liệu, hỗ trợ đầu tư cho khoa học và công nghệ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hằng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng… Riêng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu với mức hỗ trợ một lần 70% chi phí mua cây giống, phân bón cho diện tích trồng mới dược liệu, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/ha.
Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn chia sẻ: từ năm 2020, thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu với kinh phí 4,5 tỷ đồng; trong đó, có gần 3 tỷ là vốn ngân sách Nhà nước, HTX đã cung cấp cây giống, phân bón, vật tư cho 19 hộ tham gia liên kết để trồng thành công 14,6 ha cây dược liệu. HTX phụ trách hướng dẫn quy trình sản xuất đạt chuẩn, xây dựng và đăng ký tiêu chuẩn, bao tiêu 100% sản phẩm, sơ chế, chế biến và bán ra thị trường. Các hộ đối ứng về nhân công lao động, phân chuồng cho cây trồng. Hiện, HTX đã có trên 15 ha cây dược liệu, phấn đấu xuất khẩu được sản phẩm dược liệu sang thị trường nước ngoài. HTX đang tiếp tục mở rộng các cây dược liệu triển vọng lên tổng diện tích 20 ha trong vài năm tới.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp, HTX triển khai các đề tài, dự án, mô hình trồng cây dược liệu. Đây là cơ sở để tuyển chọn, trồng thử nghiệm, đánh giá; từ đó, nhân rộng diện tích, chủng loại các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu thị trường. Nhờ đó, năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới được 325 ha cây dược liệu, nâng tổng số diện tích cây dược liệu lên gần 4.100 ha, sản lượng đạt gần 10.000 tấn. Việc triển khai các đề tài, dự án, mô hình còn đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, giúp người dân yên tâm, mạnh dạn phát triển.
Ông Cư A Dín ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên là hộ tham gia Dự án "Nghiên cứu tính thích ứng của cây cát sâm, sâm cau nhằm phát triển cây dược liệu có giá trị tại huyện Văn Yên” cho biết: "Vì thời gian thực hiện dự án ngắn, cây dược liệu chưa đủ thời gian thu hoạch nhưng từ tình hình sinh trưởng, phát triển cũng như các yếu tố cấu thành năng suất đã cho thấy cơ sở khoa học khả quan của giống cây này trên đất Nà Hẩu. Chúng tôi cũng được đơn vị thực hiện dự án hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác Sản xuất dược liệu và kết nối ký hợp đồng với Công ty cổ phần Lâm Y dược Bắc Sơn, tỉnh Bắc Giang về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu cát sâm và sâm cau. Công ty đã cam kết thu mua sản phẩm dược liệu từ đề tài với giá cả phù hợp với thời điểm thu hoạch; đồng thời, khuyến cáo thời gian thu hoạch đảm bảo năng suất, chất lượng của 2 loại dược liệu này”.
Được biết, sản phẩm cát sâm và sâm cau là hàng hóa cao cấp, có nhu cầu sử dụng ngày càng cao, trong khi quy mô sản xuất trên cả nước không nhiều. Cây phù hợp trồng dưới tán rừng thưa, có thể trồng kết hợp duy trì độ che phủ, chống xói mòn đất, đặc biệt là với những vùng đất đồi, dốc, góp phần phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.
Với những hỗ trợ, định hướng của tỉnh, vùng dược liệu hàng hóa trên địa bàn đã từng bước được hình thành ổn định, không chỉ góp phần bảo tồn các giống dược liệu quý, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn giúp nhân dân đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ rừng.