Yên Bái nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, các cấp ngành ở Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận đối với một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại hai huyện Lục Yên và Trấn Yên. Những sản phẩm này, hiện đã được bán trên các sàn thương mại điện tử.

Yên Bái dành nhiều nguồn lực để phát triển các sản phẩm OCOP.

Yên Bái dành nhiều nguồn lực để phát triển các sản phẩm OCOP.

Bà Phùng Thị Tuyên, Giám đốc HTX Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên phấn khởi cho biết: “Trong quy trình chế biến để nâng cấp sản phẩm thì chúng tôi cố gắng đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các quy định Nhà nước đề ra. Chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả những tiêu chí đã đề ra để sản phẩm ngon và sạch hơn”.

Sản phẩm gà trống thiến Lục Yên sau khi được cấp quyền nhãn hiệu hàng hóa, các hộ chăn nuôi đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm sau khi có nhiều tín hiệu khả quan trong tiêu thụ.

Ông Tống Văn Anh, ở thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn cho biết, riêng năm 2022, gia đình đã xuất bán 2.000 con gà thương phẩm, thu về gần 1 tỷ đồng.

“Nuôi gà thiến là nuôi dài ngày chứ không nuôi gà 4 - 5 tháng như ngày xưa. Mỗi năm cũng nuôi được khoảng từ 1.500 - 2.000 con. Thấy gia đình chăn nuôi được thì Sở Khoa học và công nghệ về tham quan xong là cũng được cấp chứng chỉ thương hiệu” - ông Tống Văn Anh nói.

Công tác quảng bá sản phẩm được chú trọng.

Công tác quảng bá sản phẩm được chú trọng.

Hiện các địa phương ở tỉnh Yên Bái đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thành lập các HTX, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này.

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi xác định là hỗ trợ cho các HTX xây dựng hồ sơ về sản phẩm OCOP, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như có khả năng gia tăng giá trị; đồng thời phát triển sản phẩm, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và đặc biệt quan tâm đến công tác môi trường”.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay tỉnh Yên Bái đã 191 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 170 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, đồ uống và 7 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm OCOP Yên Bái được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Sản phẩm OCOP Yên Bái được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh Yên Bái đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từ truyền thống đến thương mại điện tử.

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Sau khi hình thành các sản phẩm OCOP của tỉnh thì cơ bản là các sản phẩm này đã được chuyển đổi số. Tỉnh đã dành ra một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho các sản phẩm này để đưa lên sàn điện tử và đưa vào các siêu thị lớn”.

Sự hỗ trợ của các cấp ngành ở Yên Bái đang giúp các chủ thể làm OCOP có thêm tâm huyết, nỗ lực khắc phục những hạn chế trong tổ chức, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, từ đó phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, từng bước xuất khẩu./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/yen-bai-nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop-post1014888.vov