Yên Bái nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có tổng số 358 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, 94% người dân nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần không nhỏ vào thành tựu xây dựng nông thôn mới.
Công trình nước sạch tại xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên là Dự án thuộc Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" năm 2020, tỉnh Yên Bái. Công trình được đầu tư xây dựng đã cung cấp nước sạch cho 380 hộ dân địa phương. Người dân Cường Thịnh không còn lo thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt. Việc có nguồn nước sạch hợp chuẩn cũng đã góp phần để Cường Thịnh hoàn thành tiêu chí về chất lượng môi trường sống trong bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với xã Cường Thịnh, tại xã Tân Nguyên, địa bàn có trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, hơn 90% hộ dân trong xã đã được dùng nước hợp vệ sinh. Trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã đều được sử dụng nước hợp vệ sinh và có các công trình phụ trợ đảm bảo tiêu chí.
Còn tại xã Đông An, huyện Văn Yên công trình nước sạch được đưa vào sử dụng từ năm 2008 đã phục vụ nhu cầu nước sạch cho trên 1.000 hộ dân. Ngay sau khi công trình cấp nước đi vào hoạt động, UBND Đông An đã thành lập Ban quản lý công trình để quản lý, vận hành, khai thác; thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống cấp nước để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố; sửa chữa, duy tu bảo dưỡng công trình. Đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đều được giao cho chính quyền xã và các đơn vị khai thác quản lý vận hành. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái có tổng số 358 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; 108.778 công trình cấp nước nhỏ lẻ; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 15,2%; hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên 72% và trên 95% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc được sử dụng nước sạch đã góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Người dân Cường Thịnh được sử dụng nước sạch từ Dự án thuộc Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" năm 2020, tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, qua quá trình khai thác, sử dụng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số công trình được đầu tư đưa vào sử dụng đã hết thời gian khấu hao; giá sử dụng nước chỉ thu được 1.500 - 2.000 đồng/m3, do vậy nguồn thu phí sử dụng nước không đảm bảo chi phí quản lý vận hành và sửa chữa công trình. Công tác quản lý vận hành do cộng đồng quản lý nên không có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp, dẫn đến không xử lý được các hư hỏng, sự cố dẫn đến công trình nhanh xuống cấp. Các công trình nước sạch đều được xây dựng tại các xã vùng cao, địa hình phức tạp, khu vực lấy nước cách xa khu dân cư, nguồn nước cấp là nước mặt nên chịu nhiều tác động của thời tiết, gây thiếu nước về mùa khô và bồi lấp cửa thu nước về mùa mưa, dẫn đến chất lượng và lưu lượng cung cấp nước không đảm bảo…
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 20%; đến năm 2030 các con số này lần lượt là 100% và 50%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chi cục Thủy lợi Yên Bái đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024 - 2028. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước triển khai, thực hiện để khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn bền vững, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn, nhất là người dân miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.