Yên Châu đảm bảo tiến độ sắp xếp, sáp nhập bản

Giai đoạn 2018-2021, huyện Yên Châu đã sáp nhập 28 bản thành 14 bản (từ 196 bản, tiểu khu xuống còn 182 bản, tiểu khu), giảm 144 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Qua 3 đợt thực hiện sáp nhập, người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, sáp nhập nên cơ bản đồng thuận, chấp hành tốt công tác tổ chức; đoàn kết, yên tâm lao động, sản xuất; chấp hành pháp luật Nhà nước, quy ước, hương ước tại khu dân cư. Sau sáp nhập, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách được bố trí sắp xếp lại theo đúng quy định; việc lựa chọn nhân sự các bản được thực hiện dân chủ, phù hợp với yêu cầu vị trí công việc của bản.

UBND xã Mường Lựm, huyện Yên Châu tổ chức lấy ý kiến về việc sáp nhập các bản.

UBND xã Mường Lựm, huyện Yên Châu tổ chức lấy ý kiến về việc sáp nhập các bản.

Năm 2022, huyện Yên Châu dự kiến tiếp tục sáp nhập 24 bản thành 12 bản thuộc 7 xã: Chiềng Đông, Chiềng Hặc, Sặp Vạt, Mường Lựm, Yên Sơn, Lóng Phiêng, Tú Nang. Huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã rà soát, xây dựng dự thảo phương án sắp xếp, sáp nhập; tuyên truyền về chủ trương sáp nhập, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân; tổ chức xin ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập, tên gọi của bản mới... Các tổ chức đoàn thể ở bản, tiểu khu sẽ công khai trước hội viên của mình để lựa chọn, lấy tín nhiệm để giới thiệu các chức danh đối với tổ chức của mình, bảo đảm thực hiện công khai, dân chủ.

Xã Mường Lựm đợt này có 6 bản thuộc diện phải sáp nhập, 100% dân cư là dân tộc Thái, khoảng cách giữa các bản cách nhau từ 0,2-0,5 km, mật độ dân cư thưa thớt, bản ít chỉ có 29 hộ. Ông Hoàng Văn Chức, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện kế hoạch, hướng dẫn của UBND huyện, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ tổ chức họp đảng viên, nhân dân để quán triệt, phổ biến về mục đích, yêu cầu và chủ trương việc sắp xếp, sáp nhập bản; thành lập các tổ công tác xuống từng bản tuyên truyền, vận động nhân dân. Đối thoại, lấy ý kiến của nhân dân về việc đặt tên bản mới, sử dụng các thiết chế văn hóa, các thủ tục hành chính... Do làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, việc sắp xếp, sáp nhập các bản trên địa bàn cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Còn tại xã Lóng Phiêng, năm 2022, xã dự kiến sáp nhập 4 bản, gồm: Bản Pá Sa (42 hộ) với bản Pha Cúng (155 hộ); bản Quỳnh Châu (37 hộ) với bản Tô Buông (151 hộ). Anh Nguyễn Văn Hừa, bản Pha Cúng, cho biết: Bản Pá Sa trước đây được tách ra từ bản Pha Cúng, tuy cách nhau 1,5 km nhưng đường giao thông thuận lợi, đều là đường nhựa và đường bê tông, nên khi có chủ trương sáp nhập thành 1 bản, tôi thấy không có gì phải băn khoăn. Mong muốn sau khi sáp nhập, đời sống của nhân dân 2 bản sẽ được quan tâm hơn và có nhiều điều kiện để phát triển cả về vật chất và tinh thần.

Chủ trương sáp nhập các bản, tiểu khu năm 2022 trên địa bàn huyện Yên Châu, bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp những khó khăn do việc sáp nhập bản, địa giới sẽ mở rộng, công tác quản lý địa bàn đòi hỏi phải lựa chọn được những cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, các yếu tố khác biệt về văn hóa, nếp sống sinh hoạt cộng đồng; cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; tâm tư của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở… là những vấn đề đặt ra, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Yên Châu phải kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Ông Phạm Đức Long, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Châu, cho biết: Những vấn đề vướng mắc gặp phải khi sáp nhập được các cấp ủy, chính quyền rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các năm trước. Huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục; xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc các yếu tố liên quan khi sáp nhập; lựa chọn phương án sáp nhập phù hợp nhất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân một cách thấu đáo, khi nào người dân hiểu, đồng thuận mới triển khai.

Phòng Nội vụ tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính liên quan đến người dân; xây dựng phương án sinh hoạt bản, tiểu khu theo cụm, khu dân cư để khắc phục tình trạng thừa, thiếu chỗ ngồi tại các nhà văn hóa; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng bản và mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ cho những người hoạt động không chuyên trách ở bản; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các bản sáp nhập.

Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tiến độ sắp xếp, sáp nhập bản trên địa bàn huyện Yên Châu đang được triển khai đúng kế hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, ban quản lý, các tổ chức đoàn thể và xây dựng nông thôn mới ở các bản trên địa bàn.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/yen-chau-dam-bao-tien-do-sap-xep-sap-nhap-ban-50242