Yên Khương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi gắn với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường

Nằm dọc đôi bờ sông Âm yên bình và thơ mộng, xã Yên Khương có vị trí đặc biệt và là xã duy nhất của huyện Lang Chánh giáp nước bạn Lào. Những năm qua, dù chịu tác động của tình hình khó khăn chung nhưng với nỗ lực không ngừng của chính quyền và cộng đồng dân cư, Yên Khương duy trì sự phát triển ổn định về mọi mặt.

Hội LHPN tỉnh, Đồn Biên phòng Yên Khương và lãnh đạo địa phương trao bò cho các hộ nghèo.

Hội LHPN tỉnh, Đồn Biên phòng Yên Khương và lãnh đạo địa phương trao bò cho các hộ nghèo.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Khương lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi.

Với các giải pháp hỗ trợ về con giống, kỹ thuật và nguồn vốn, các hộ dân trong xã đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Có những thôn đã chủ động quy hoạch khu chăn nuôi tập trung góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã còn một số hạn chế, bất cập. Người nông dân vẫn chủ yếu chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, thả rông nên hiệu quả không cao; hệ thống chuồng trại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; công tác phòng, chống dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, vẫn còn để xảy ra dịch lở mồm, long móng ở trâu, bò, bệnh tụ huyết trùng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại lớn về kinh tế...

Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong thời gian tới, xã Yên Khương xác định quan điểm: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân; phát triển chăn nuôi phải song hành với công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của người dân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định, hương ước, quy ước. Với phương châm “Cán bộ, đảng viên thực hiện tốt, chấp hành trước”; quá trình triển khai thực hiện phải mang tính quyết liệt, đột phá, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại. Phát triển đàn trâu, bò có phương án, kế hoạch, định hướng trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện kiên trì, có bước đi vững chắc, có lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc đàn trâu, bò; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Chăn nuôi dựa trên vận dụng ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học - kỹ thuật; thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội.

Mục tiêu chung là phát triển, nhân rộng đàn trâu, bò gắn với thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, chăn nuôi đảm bảo quy hoạch tập trung tùy theo điều kiện tự nhiên của từng thôn; chuồng trại xây dựng kiên cố, xa khu vực dân cư; trâu, bò phải chăn dắt, nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông tự nhiên.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt 1.700 con trở lên, tiêm phòng đủ liều vắc xin theo định kỳ. 100% các hộ chăn nuôi phải xây dựng chuồng trại kiên cố, xa khu vực dân cư. 100% các hộ dân phải nuôi tập chung, chăn dắt, không thả rông trâu, bò...

Để thực hiện các mục tiêu trên, xã Yên Khương xác định rõ các giải pháp thực hiện. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện về phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Cùng với đó, tập trung rà soát, quy hoạch, triển khai các biện pháp chăn nuôi đàn trâu, bò. Đối với các thôn có quỹ đất cộng đồng, khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung nhưng vẫn phải xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh. Đối với các thôn không có quỹ đất để chăn nuôi tập trung phải thực hiện chăn dắt đồng bộ. Đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, phải xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, nuôi chăn dắt, tuyệt đối không được thả rông.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, nhất là hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, bò và công tác vệ sinh môi trường.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể từ xã đến các thôn đối với việc phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò. Cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò; đồng thời phát huy tốt vai trò tham mưu của MTTQ, các ngành đoàn thể; chi bộ, ban quản lý các thôn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp thiết thực, sáng tạo, phù hợp với từng thôn nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, không để xảy ra dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.

Vi Minh Hạnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/yen-khuong-tap-trung-lanh-dao-chi-dao-phat-trien-chan-nuoi-nbsp-gan-voi-cong-tac-nbsp-dam-bao-ve-sinh-moi-truong-228799.htm