Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ
Thời gian qua, UBND huyện Yên Lạc đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển đô thị, kết hợp chặt chẽ với hệ thống đô thị của tỉnh, tính kết nối đồng bộ, hiện đại các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các yếu tố đặc trưng và đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân tại các đô thị.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lạc khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Yên Lạc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực tăng dần công nghiệp, đô thị, thương mại – dịch vụ, giảm dần kinh tế nông nghiệp; hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ; xây dựng nông thôn mới nâng cao đã góp phần thay đổi diện và đi vào chiều sâu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Dương Quang Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Hiện nay, huyện Yên Lạc có 6 đô thị loại V gồm: Nguyệt Đức, Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên, thị trấn Yên Lạc và Tam Hồng. Với mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, huyện Yên Lạc xác định có tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%, huyện sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí về đô thị và công nhận các xã: Liên Châu, Yên Đồng, Đồng Cương, Bình Định là đô thị loại V, nâng tổng toàn huyện có 10 đô thị loại V, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Cùng với đó, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm được huyện Yên Lạc đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Thảm nhựa mặt đường Yên Lạc - Vĩnh Yên đoạn đường tránh Quốc lộ 2C (Mả Lọ) đến Quốc lộ 2 (đường tránh thành phố Vĩnh Yên); cải tạo, nâng cấp ĐT.305; đường đô thị Tam Hồng, Đoạn từ ĐT.304 đi ĐT.305; đường đô thị Tam Hồng, đoạn từ ĐT.304 đi đường vành đai 4 Vĩnh Phúc, đường trục chính huyện Yên Lạc, đoạn từ Quốc lộ 2 (Phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên) đi ĐT.303 xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc...
Bên cạnh đó, các tuyến đường huyện, xã, đường nông thôn cũng được huyện Yên Lạc tập trung đầu tư, kết nối với các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh tạo nên hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo sự bứt phá, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc đi lại giao thương hàng hóa. Các đường trục thôn, ngõ xóm 100% cứng hóa bê tông, thảm nhựa góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Ngoài ra, nhiều dự án phát triển đô thị, công nghiệp được huyện Yên Lạc triển khai đầu tư xây dựng như Khu nhà ở dịch vụ xã Đồng Văn; Khu đô thị Dragon - City; Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng; Dự án phát triển đô thị tại xã Trung Nguyên, xã Bình Định và thị trấn Yên Lạc; Khu đô thị mới Green City và các dự án phát triển đô thị mới khác trên địa bàn huyện.
Song song phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được quan tâm, các thiết chế văn hóa, ý tế, giáo dục, điện chiếu sáng công cộng… được đầu tư nâng cấp, mở rộng; giao thông nông thôn được cứng hóa đảm bảo kết nối từ trung tâm xã đến huyện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và phấn đấu đến năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Xác định phát triển công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, UBND huyện Yên Lạc đã sớm định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn; lập quy hoạch 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích 332,8ha, trong đó có 3 cụm công nghiệp đã đưa vào hoạt động như: Cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ; Cụm công nghiệp làng nghề Yên Đồng; Cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Yên Lạc.
Mặt khác hiện nay, huyện Yên Lạc có 3 cụm công nghiệp đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng như: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, Cụm công nghiệp Đồng Văn, Cụm công nghiệp Trung Nguyên và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm; 01 cụm công nghiệp đang được hoàn thiện hồ sơ thành lập và giao chủ đầu tư là: Cụm công nghiệp Yên Phương; quy hoạch 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 473ha như: Khu công nghiệp Yên Lạc tại xã Nguyệt Đức và Yên Phương, Khu công nghiệp Bình Xuyên – Yên Lạc tại xã Văn Tiến, mở rộng Khu công nghiệp Đồng Sóc tại xã Yên Đồng nhằm tạo ra sự bứt phá về phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao, công nghệ hiện đại, phù hợp với thị trường và thân thiện môi trường, như: Công nghiệp sản xuất thép, dệt may, tái chế nhựa... góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm lao động, góp phần tăng ngân sách địa phương.
Cùng với các lĩnh vực khác, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được huyện Yên Lạc quan tâm, duy trì, phát triển ổn định; huyện có 8 làng nghề với các ngành nghề chủ yếu như: Nghề mộc, gỗ mỹ nghệ; chăn, ga, gối, đệm... đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập trung bình từ 5,5 triệu đồng/người/tháng đến 8 triệu đồng/người/tháng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển ổn định; hệ thống trung tâm thương mại, chợ nông thôn được nâng cấp; các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích phát triển mở rộng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, trao đổi hàng hóa, thương mại, dịch vụ của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thương mại của huyện phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng chưa đồng đều, nhất là các xã phía Nam và vùng bãi sông Hồng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các xã lập quy hoạch xây dựng, trong đó bố trí quỹ đất thương mại dịch vụ từ 2 - 3ha để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thực hiện hóa mục tiêu thương mại – dịch vụ chất lượng cao.
Để duy trì, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian tới huyện Yên Lạc tập trung đẩy nhanh hoàn thành các dự án hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, điện, nước…; hoàn thiện các cấp đồ án quy hoạch trong đó bố trí các quỹ đất phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại – dịch vụ; cùng với đó thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào huyện, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Yên Lạc trở thành đô thị văn minh, hiện đại.