Yên Minh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020; ngành GD&ĐT huyện đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, chất lượng giáo dục được nâng cao trên mọi phương diện.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La chơi các trò chơi dân gian.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La chơi các trò chơi dân gian.

Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới và thuộc một trong số những huyện nghèo của tỉnh và cả nước; điều kiện kinh tế, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận nhân dân, bậc phụ huynh trong việc quan tâm đến giáo dục, khuyến khích con em đến trường còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục không nhiều, hạ tầng trường, lớp học, nhà lưu trú học sinh (HS), giáo viên còn thiếu và chưa đảm bảo. Tuy nhiên, công tác GD&ĐT luôn được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn đoàn kết, nỗ lực, nhiệt tình, gắn bó với trường, lớp; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu dạy và học; chế độ chính sách dành cho cán bộ, giáo viên, HS nghèo, HS bán trú được thực hiện đầy đủ đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Minh, Nguyễn Ngọc Quyết cho biết: Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngành GD&ĐT huyện cơ bản hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu như: Trong kỳ I năm học 2019 – 2020, tỷ lệ huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi đi học đạt 30%, tăng 7,6% so với năm 2015, đạt 100% nghị quyết; tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi học đạt 98,2%, vượt 0,2% nghị quyết; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 99%, vượt 1% nghị quyết; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đi học đạt 98,64% so với dân số trong độ tuổi, tăng 0,14% so với năm 2015, vượt 0,64% nghị quyết...

Ngoài những kết quả trên, từ năm 2015 đến nay, ngành GD&ĐT và các địa phương ở Yên Minh đã mở được 110 lớp xóa mù chữ với 2.753 học viên; trong đó: xóa mù chữ 58 lớp với 1.503 học viên; giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ 52 lớp với 1.250 học viên; 4 năm liền huyện Yên Minh được tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mũ chữ ở các mức độ.

Thực hiện Đề án đưa văn hóa truyền thống vào trong trường học và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện luôn thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thi hát dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các môn thể thao dân gian truyền thống: Đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, đánh yến, đu quay, ném còn...

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, HS Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” được huyện và ngành GD&ĐT huyện triển khai dạy đại trà tiếng Việt cho tất cả HS lớp 1 (kể cả các điểm trường lẻ) với cách làm linh hoạt, khoa học, phù hợp với đối tượng HS như: Điều chỉnh giảm nội dung, tăng thời lượng, chú trọng rèn kỹ năng phát âm, luyện nói và viết chính tả; đến nay cơ bản HS Mầm non biết sử dụng tiếng Việt trước khi hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, từ việc quyết liệt, sáng tạo trong thực hiện dồn ghép điểm trường, đưa HS về trường chính; Yên Minh đã chuyển toàn bộ học sinh ở 24 điểm trường về trường chính, với 34 lớp/429 HS; chuyển một phần học sinh ở 616 điểm, với 609 lớp/9.056 HS về trường chính; dồn ghép được 26 điểm trường, với 42 lớp/621 HS. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ bằng tiền, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công lao động…, được trên 38 tỷ đồng, góp phần đáng kể giảm bớt khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học ở các đơn vị.

Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng thường xuyên được quan tâm, tạo điều kiện; với gần 560 lượt giáo viên đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, 34 cán bộ, giáo viên được đào tạo trình độ lý luận chính trị, 60 người được cử đi bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục, 102 người đi học quản lý nhà nước... Đội ngũ giáo viên và HS tham gia các kỳ thi HS giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp đạt nhiều thành tích, tỉ lệ giáo viên giỏi, HS giỏi các cấp ngày một cao.

Những thông tin, số liệu minh chứng trên đã khẳng định kết quả giáo dục toàn diện ở Yên Minh. Tính đến cuối tháng 10.2019, toàn huyện đã có 12 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến hết tháng 12.2019, có thêm 5 trường được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 17/54 trường thuộc sự quản lý của Phòng GD&ĐT, chiếm gần 30%, đạt 100% Nghị quyết giao, hoàn thành mục tiêu trước một năm so với Nghị quyết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Dù có những kết quả rất đáng khen ngợi, nhưng không thể không nói đến những hạn chế trong công tác GD&ĐT của huyện như: Việc vận động và duy trì sỹ số HS, tỷ lệ HS bỏ học, đi học thất thường còn cao, đặc biệt tình trạng HS bỏ học theo bố mẹ đi làm ăn xa có chiều hướng tăng. Chất lượng giáo dục so với mặt bằng chung còn thấp. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Xã hội hóa về giáo dục chưa phát triển, nhận thức về giáo dục và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân… Thế nhưng, dám “nhìn thẳng, nhận diện đúng” mới có thể đưa ra giải pháp khắc phục, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện nhà lên vị thế mới, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201912/yen-minh-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-753307/