Yên Mô, đa dạng việc làm cho lao động nông thôn

Năm 2022, huyện Yên Mô giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động, trong đó có trên 200 lao động đi xuất khẩu, vượt so với mục tiêu đưa 150 lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2022. Có việc làm với thu nhập ổn định, đời sống nhân dân huyện Yên Mô có sự cải thiện rất đáng kể.

Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương.

Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương.

Bà Lê Thị Tươi, ở xã Yên Hưng năm nay 54 tuổi. Ở cái tuổi đã lên chức bà, bà Tươi vẫn tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe ở một doanh nghiệp gần nhà.

Bà Tươi cho biết: Đối với chúng tôi, nếu chỉ bám vào hai vụ cày cấy thì cuộc sống thực sự khó khăn. Muốn cải thiện được cuộc sống, chúng tôi phải chăm chỉ đi làm thuê vào mọi thời điểm nông nhàn. Trước đây, tôi đi làm ở tận Hà Nội, tuy nhiên giờ tuổi đã không còn phù hợp để đi làm xa nữa nên tôi về quê. Thật may là tôi đã tìm được việc giặt là ở Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh, thị trấn Yên Thịnh. Công việc đều đặn, mức lương tôi nhận được mỗi tháng chừng 4 triệu đồng. Đó là khoản tiền rất ý nghĩa để tôi chi tiêu, trang trải cuộc sống gia đình từ hơn 2 năm nay.

Lê Văn Kiên, 22 tuổi, ở xã Yên Hưng. Kiên là số ít nam lao động làm việc tại một công ty chuyên về may mặc. Với nhiệm vụ của một nhân viên kiểm hàng, Kiên có mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập khá ổn định, song đây chưa phải là sự lựa chọn lâu dài của em.

Kiên chia sẻ: Ở quê em bây giờ có rất nhiều cơ hội việc làm. Công việc hiện nay của em không vất vả, các chế độ được thụ hưởng theo đúng Luật lao động. Tuy nhiên, em xác định đây chỉ là công việc tạm thời. Em là bộ đội xuất ngũ. Mong muốn của em là qua Tết sẽ đi xuất khẩu lao động ở một thị trường có thu nhập khá.

Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh hiện có trên 300 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. Trong vài năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Riêng 2 tháng 8-9/2022 vừa qua, công ty gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, thay vì tạm dừng sản xuất chờ nguyên liệu, công ty đã năng động tìm kiếm đơn hàng nội địa. Nhờ đó, vẫn duy trì được việc làm cho người lao động.

Thời điểm khó khăn đã qua, hiện nay Công ty đã tiếp tục nhận được các đơn hàng xuất khẩu. Người lao động khi chưa tăng ca vẫn đạt được mức lương từ 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Văn Điều, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh cho biết: Sắp tới, Công ty sẽ mở rộng thêm 5 dây chuyền sản xuất, cần thêm hàng trăm lao động. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Người lao động mới vào chưa biết nghề được tạo điều kiện thuận lợi để vừa học vừa làm, với mức lương hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng. Khi tay nghề ổn định, người lao động sẽ thụ hưởng mức thu nhập theo tay nghề, sản phẩm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ổn định cuộc sống nhờ thu nhập từ nghề phụ.

Tại các làng nghề truyền thống, không khí lao động cũng khá nhộn nhịp, hối hả, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm như hiện nay. Làng nghề chế biến cói Nộn Khê (xã Yên Từ) hiện có khoảng 1.000 hộ, trong đó hầu hết đều mưu sinh từ nghề đan chiếu cói. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa là một trong những hộ gia đình như thế.

Bà Hoa chia sẻ, bà đã làm nghề truyền thống được 20 năm. Nghề phụ nhưng đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho gia đình bà. Nghề này phù hợp với mọi lứa tuổi. Già, trẻ, thậm chí người khuyết tật cũng có thể làm được, thời gian làm thì có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi.

Hiện nay, gia đình tôi là một trong những đầu mối thu mua sản phẩm cho bà con. Nếu làm chăm chỉ, mỗi ngày cũng có thu nhập chừng 100 nghìn đồng/người, có nhà có tới vài ba lao động cùng làm nghề. Tuy thu nhập không cao so với các lĩnh vực ngành nghề khác, nhưng với người lao động nông thôn, khoản tiền này cơ bản đảm bảo cuộc sống. Ở làng Nộn Khê bây giờ, không có hộ nào nghèo nếu họ có sức lao động.

Theo cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xã Yên Từ Nguyễn Đình Đạt, hiện nay trong tổng số trên 1 nghìn hộ ở thôn Nộn Khê chỉ còn 22 hộ nghèo theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2022. Trong đó, chủ yếu là hộ nghèo do người tàn tật, đơn thân… đứng chủ.

Với kết quả này, Nộn Khê là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của xã Yên Từ. Để giảm nghèo nhanh và thực sự bền vững, một giải pháp hiệu quả mà địa phương áp dụng trong những năm qua đó là duy trì, phát triển tốt làng nghề chế biến cói nhằm tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con địa phương.

Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Những năm gần đây, huyện Yên Mô có nhiều nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện có 295 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Trung bình mỗi năm, giải quyết việc làm mới cho trên 2 nghìn lao động địa phương. Đặc biệt, nếu như những năm trước đây, nhiều lao động ngoài tuổi 35 phải rất vất vả để tìm việc làm thì đến nay tình trạng này được khắc phục rất nhiều.

Tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ngoài độ tuổi 35, chiếm 50% tổng số lao động tại doanh nghiệp. Đáng chú ý, số lao động đi xuất khẩu của huyện là 203 người, vượt xa so với chỉ tiêu đưa 150 lao động đi xuất khẩu trong năm 2022 mà huyện được giao. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng trong công tác tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động ngoài độ tuổi tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cùng với đó, huyện còn phối hợp với ngành chức năng triển khai nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động thôn thôn, trong đó trang bị cho người nông dân thêm nhiều kiến thức về thị trường, về cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, về kỹ thuật trồng cấy, chăn nuôi… đồng thời có những chính sách hỗ trợ về giống, vốn rất thiết thực. Đây là cơ sở để người nông dân gắn bó và thêm quyết tâm làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương mình. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 của huyện giảm còn 2,65%, vượt kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-da-dang-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon/d20221109113925421.htm