Yêu cầu 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử giải trình về việc dừng hoạt động
Trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử theo quy định...
![Làm rõ nguyên nhân 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử dừng hoạt động.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_3_51460743/ae398833bf7d56230f6c.jpg)
Làm rõ nguyên nhân 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử dừng hoạt động.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng làm rõ việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Căn cứ theo dữ liệu do Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cung cấp tại công văn số 439/TCT-DNNCN ngày 24/01/2025, CụcThương mại Điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử có giải trình về việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Trường hợp quá 30 (ba mươi) ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Do đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững.
Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết sự phối hợp giữa hai Bộ nhằm thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, quản lý thuế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Điều này đòi hỏi việc quản lý thuế bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn,... thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số. Đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế.
Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực thương mại điện tử mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử.
Trong đó tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin theo quy định quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với các chủ thể của hoạt động thương mại điện tử.
Phối hợp xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử không kê khai, nộp thuế...