Yêu cầu 2.500 thủ tục hành chính của các bộ, ngành phải thông suốt từ trên xuống dưới
Trao đổi tại cuộc họp của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ông Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu 2.500 thủ tục hành chính của các bộ, ngành phải thông suốt từ trên xuống dưới, có lộ trình đến 1/2026.
Các địa phương cập nhật báo cáo hằng ngày
Chiều tối 8/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức cuộc họp nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cuộc họp của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản
Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số – Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng, Tổ phó Thường trực Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương, đã báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW.
Ông Ngô Hải Phan cho biết tính đến 7/7/2025, 2 bộ, cơ quan và 7 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai. 24/34 tỉnh, thành lập Tổ Công tác cấp tỉnh. Các địa phương cập nhật kết quả triển khai trên Hệ thống giám sát trước 16h mỗi ngày.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, đến nay, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản nền tảng trước 1/7 về Kiến trúc chuyển đổi số phiên bản 3.0; Mã số tổ chức đảng; mã số đơn vị hành chính. Các bộ, ngành đã công khai thủ tục hành chính theo 28 nghị định của Chính phủ làm cơ sở để địa phương điều chỉnh quy trình nội bộ và điện tử.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng trình bày báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản
Cùng với đó, địa phương hoàn tất công bố mã định danh cơ quan, cơ bản hoàn thành công khai thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công an trình Chính phủ Nghị quyết về thúc đẩy tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số toàn diện.
Về hạ tầng kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương mở rộng Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) theo định hướng áp dụng công nghệ mới, mô hình tập trung bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Có 14 trong số 48 bộ, ngành, địa phương đã rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả; kết nối, liên thông dữ liệu, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo và các cấp chính quyền.
Các địa phương thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các "Tổ công nghệ số cộng đồng", "Đội hỗ trợ phản ứng nhanh" để thực hiện "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ, giải đáp vướng mắc kịp thời cho cán bộ và người dân tại cơ sở.
Bộ Tài chính đã bổ sung ngân sách nâng cấp hạ tầng Cổng DVC quốc gia trong thời gian chưa hoàn thành việc chuyển dịch hạ tầng lên Trung tâm dữ liệu quốc gia để đáp ứng yêu cầu về lưu lượng truy cập tăng đột biến khi đóng giao diện Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu các vụ án hôn nhân và gia đình từ phần mềm riêng sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ dữ liệu từ ngày 1/7/2025.

Cuộc họp của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số diễn ra chiều tối 8/7. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản
982 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Theo số liệu thống kê từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, 982 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Còn thông tin từ Bộ Công an, tính đến ngày 7/7, tổng số hồ sơ cả nước tiếp nhận 281.757 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 174.927 hồ sơ, tiếp nhận trực tiếp là 106.830 hồ sơ.
Về kết quả tiếp nhận hồ sơ đối với nhóm 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, qua kết quả rà soát trong các ngày 1-7/7, hoạt động nộp hồ sơ trực tuyến với nhóm 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình tập trung nhiều vào một số thủ tục và chiếm số lượng hồ sơ lớn trên tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến trên cả nước.
Về rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ, Bộ Công an nhận thấy một số tồn tại về cắt giảm thành phần hồ sơ tuyệt đối đối với dữ liệu dân cư, căn cước. Có địa phương đã có dữ liệu như đất đai; tư pháp đã có dữ liệu nhưng chưa thực hiện cắt giảm hồ sơ. Công chức cấp xã còn hướng dẫn phát sinh các giấy tờ khác ngoài thành phần hồ sơ, không có trong quy định: như thủ tục cấp điện mới, sang tên sổ đỏ,...
Chuyển đổi số thắng hay bại là ở cấp xã
Theo ông Ngô Hải Phan, các cơ quan, địa phương tích cực vào cuộc, triển khai nhiệm vụ và cập nhật kết quả thực hiện trên Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57 trước 16 giờ hằng ngày.
Trong đó, tỷ lệ hoàn thành các nhóm nhiệm vụ đạt mức cao. Qua số liệu báo cáo trên hệ thống cho thấy, cấp tỉnh thực hiện rất tích cực: Tính đến 16h00 ngày 7/7, Hệ thống ghi nhận 32/34 tỉnh, thành phố (94%) báo cáo đã đạt trạng thái xanh, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ phủ xanh nhiệm vụ cấp tỉnh đạt 99.61%. Điều này cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh trong việc ban hành văn bản, chỉ đạo và phân bổ nguồn lực.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đầu việc đã được triển khai hiệu quả, thống kê ở cấp phường xã cho thấy: Chỉ 13,3% trong số 2.982 xã, phường đã báo cáo là đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản để vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công. Nhiều xã chưa có báo cáo nào.
"Thực tiễn tại cấp xã phường còn rất nhiều việc phải làm, dữ liệu báo cáo từ cơ sở lại cho thấy một bức tranh khác. Đây là điểm nghẽn chí mạng, bởi 'trận chiến' chuyển đổi số thắng hay bại là ở cấp xã - nơi trực tiếp phục vụ người dân. Nếu cấp xã không vận hành được thì mọi nỗ lực ở cấp trên đều không có ý nghĩa thực tiễn", báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng nêu rõ về sự chênh lệch giữa "Trang bị" và "Sử dụng" tại nhiều địa phương, có mức độ trang bị thiết bị, hạ tầng tại cấp xã rất tốt. Tuy nhiên, dữ liệu từ Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến lại thấp một cách đáng báo động.
Nhiều cán bộ chưa thành thạo phần mềm, nghiệp vụ
Về triển khai thủ tục hành chính sau sáp nhập, báo cáo nêu rõ, hiện còn một số tồn tại. Đó là chưa ban hành quy trình nội bộ vận hành hệ thống mới và cũ, gây khó khăn trong quản lý, tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính. Nhiều cán bộ chưa thành thạo phần mềm, nghiệp vụ.
Thủ tục hành chính đã công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng chưa triệt để tái cấu trúc quy trình, cắt giảm hồ sơ từ dữ liệu sẵn có. Vẫn tồn tại tình trạng yêu cầu đính kèm giấy tờ trùng với dữ liệu đã có như căn cước, cư trú, đất đai, hộ tịch, bảo hiểm.
Một số địa phương yêu cầu giấy tờ ngoài danh mục hồ sơ đã công khai, gây phiền hà cho người dân. Việc niêm yết thủ tục hành chính còn hình thức, thiếu trực quan, khó tiếp cận; tuyên truyền chưa hiệu quả, người dân còn nhầm lẫn giữa dịch vụ công trực tuyến toàn trình và các dịch vụ cần hồ sơ giấy….
Việc xây dựng và đưa vào sử dụng 12 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn phân mảnh, thiếu đồng bộ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn chỉnh. Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu. Dữ liệu chưa đầy đủ, thiếu chính xác và chưa chuẩn hóa. Thiếu nhân lực và năng lực vận hành, khai thác dữ liệu. Thiếu hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp hiệu quả…
Cần “chạy đuổi” thời gian đã bỏ lỡ
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định: Thời gian qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã nghiêm túc thực hiện.
Tuy vậy, vẫn còn chậm trễ trong triển khai một số công việc cụ thể, cần phải nhanh chóng “chạy đuổi” thời gian đã bỏ lỡ. Muốn thế, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, xử lý tận gốc những nội dung còn tồn đọng, tránh bỏ lại các nhiệm vụ trong Kế hoạch số 02.

Ông Nguyễn Duy Ngọc lưu ý Quốc hội, các ban đảng, MTTQ, các đoàn thể điều tiết các nhiệm vụ trong chuyển đổi số để đạt được kế hoạch đã đề ra. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản
Ông Nguyễn Duy Ngọc đề nghị toàn bộ phần chuyển đổi số thuộc nhiệm vụ của Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân giao cho Bộ Công an hỗ trợ, từ các loại dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, sinh trắc học... Đồng thời yêu cầu 2.500 thủ tục hành chính của các bộ, ngành phải thông suốt từ trên xuống dưới, có lộ trình đến 1/2026.
Ông Ngọc cũng lưu ý Quốc hội, các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể điều tiết các nhiệm vụ trong chuyển đổi số để đạt được kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình đó chú ý phân công rõ ràng, đôn đốc các nhiệm vụ lõi, những chương trình, công nghệ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.