Yêu cầu cung cấp đủ hóa chất còn hạn sử dụng để xử lý nước tại nơi bị ngập lụt

Để đảm bảo phòng, chống và ứng phó hiệu quả dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cung cấp đủ hóa chất diệt khuẩn còn hạn sử dụng để xử lý nước và vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cung cấp đủ hóa chất còn hạn sử dụng để xử lý nước tại nơi bị ngập lụt - Ảnh: VGP/HM

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cung cấp đủ hóa chất còn hạn sử dụng để xử lý nước tại nơi bị ngập lụt - Ảnh: VGP/HM

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão số 3 và các tình huống thiên tai trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo phòng, chống và ứng phó hiệu quả dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt nhằm ngăn ngừa, hạn chế hậu quả về sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương, rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét..

Đồng thời, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai, củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…

Đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, cung cấp đủ hóa chất chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt, thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.

Tổ chức thu gom xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.

Đảm bảo thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh liên tục

Song song đó, các địa phương phải đảm bảo công tác thường trực cấp cứu khám chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp, phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt, các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Có kế hoạch bảo đảm nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của các cơ sở y tế trong các tình huống mưa lũ và ngập lụt. Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong vùng mưa lũ và ngập lụt.

Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/yeu-cau-cung-cap-du-hoa-chat-con-han-su-dung-de-xu-ly-nuoc-tai-noi-bi-ngap-lut-102240912192926808.htm