Yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu sẽ được xử lý khách quan, minh bạch
Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập khẩu Bộ Công Thương đang thẩm định và sẽ xử lý công khai, khách quan.
Liên quan đến hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập khẩu, Bộ Công Thương đang thẩm định và quá trình xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại (PVTM) của Việt Nam và WTO. Đây là nhấn mạnh của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương.
Thưa ông, liên quan đến đề nghị điều tra chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập khẩu, một số doanh nghiệp thép đang có ý kiến trái chiều về vụ việc. Xin ông cho biết rõ hơn vấn đề này?
Vừa qua, Cục PVTM (Bộ Công Thương) nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM (chống bán phá giá) của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc. Hiện, Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo cho các bên liên quan theo quy định.
Căn cứ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đại diện ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc này, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra.
Quy trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng quy định của pháp luật PVTM Việt Nam và WTO. Bộ Công Thương cũng như Cục PVTM sẽ có thông tin đến các cơ quan báo chí, phía doanh nghiệp.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về quy trình, thời hạn điều tra áp dụng biện pháp PVTM?
Theo quy định của pháp luật PVTM Việt Nam, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra (Cục PVTM, Bộ Công Thương) sẽ thông báo cho bên yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thông báo cho bên yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ đầy đủ hợp lệ, căn cứ vào kiến nghị của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hoặc không điều tra. Ngoài ra, thời hạn để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra và trường hợp cần thiết thời gian điều tra có thể gia hạn thêm 6 tháng.
Quá trình điều tra, Cục PVTM sẽ yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không và mức thuế là bao nhiêu. Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu.
Qua vụ việc đề nghị điều tra chống bán phá giá thép HRC, thời gian qua, công tác theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước được Cục PVTM đẩy mạnh như thế nào, thưa ông?
Thời gian qua, cùng với việc tăng cường cảnh báo các nguy cơ về điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác áp dụng biện pháp PVTM hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế... trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 27 vụ việc PVTM. Các mặt hàng là đối tượng điều tra tương đối đa dạng, bao gồm các sản phẩm kim loại (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất-chất dẻo (sorbitol, màng BOPP), vật liệu xây dựng (ván MDF, kính nổi), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng đối với đời sống của người nông dân
Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng PVTM đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, quá trình điều tra áp dụng biện PVTM đối với bất kể hàng hóa nhập khẩu nào luôn được Bộ Công Thương tiến hành đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của WTO. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; thực hiện các hoạt động điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam một cách công bằng, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.