Yêu lá cờ Tổ quốc
Cứ mỗi dịp lễ, tết, nhiều người có thói quen đi dạo quanh các tuyến đường để ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của những con đường được tô điểm bởi màu cờ Tổ quốc. Cùng với niềm hân hoan, vui sướng, trong trái tim mỗi người đều dâng lên cảm xúc tự hào và biết ơn thành quả mà mỗi người con của dân tộc Việt Nam đã hy sinh, nỗ lực phấn đấu để đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Đã từ rất lâu, nhiều học giả nước ngoài đều nhận định hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại yêu lá cờ Tổ quốc như người dân Việt Nam. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi lá cờ Tổ quốc Việt Nam luôn xuất hiện không chỉ trong tâm trí của mỗi người dân mà còn được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Trong những dịp đại lễ đều có lễ thượng cờ Tổ quốc. Lễ thượng cờ được tổ chức ở nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam là Bãi Môn - Mũi Điện (tỉnh Phú Yên) vào những dịp lễ quan trọng. Lễ thượng cờ đã vượt lên một nghi lễ bình thường để trở thành khúc ca hùng tráng ca ngợi tinh thần yêu nước, thương nòi, ý chí mạnh mẽ về bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, khát vọng vươn lên cống hiến và dựng xây đất nước. Lễ thượng cờ nơi địa đầu Tổ quốc - cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang), nơi hội tụ bao khí thiêng của sông núi nước nhà.
Hay những ai đã từng chứng kiến lễ thượng cờ và hạ cờ hằng ngày ở Quảng trường Ba Đình, cũng đều xúc động khôn nguôi. Nghi lễ cấp quốc gia này đã trở thành niềm tự hào, thiêng liêng của người dân thủ đô và du khách khi đến đây. Đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh (2-9) hay ngày sinh của Bác (19-5)..., hình ảnh thường thấy là nhiều người dân quần áo chỉnh tề tập trung xung quanh quảng trường Ba Đình để được xem nghi lễ thượng cờ trang nghiêm gợi lên bao cảm xúc đặc biệt.
Không chỉ trong đất liền mà ở ngoài đảo xa xôi, người lính hải quân Việt Nam đều tổ chức lễ thượng cờ vào những dịp quan trọng. Cứ vào ngày 30-4 hàng năm, trên đảo tiền tiêu Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), giữa mênh mông biển trời Đông Bắc, người dân và du khách đều được chứng kiến lễ thượng cờ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Còn ở giữa biển Đông muôn trùng sóng gió, trên đảo Trường Sa hằng ngày vẫn diễn ra lễ thượng cờ. Nhìn lá cờ khẳng định chủ quyền biển đảo tung bay, những người lính hải quân đều thấy tự hào và quyết tâm bảo vệ từng cánh sóng.
Tình yêu với lá cờ Tổ quốc còn được hun đúc cho thế hệ trẻ từ buổi chào cờ đầu tiên khi bước vào tiểu học đến khi rời ghế nhà trường. Và mỗi năm học có 37 lần các em đứng trước quốc kỳ báo công học tập. Sau 12 năm học phổ thông thì lễ chào cờ là một kỷ niệm không thể quên trong quãng đời học sinh. Và không phải ngẫu nhiên mà lá cờ Tổ quốc lại xuất hiện trên các sân vận động khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Bởi cờ Tổ quốc là đại diện cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Nhìn thấy cờ Tổ quốc là nhìn thấy triệu trái tim đang hướng về một niềm tin chiến thắng.
Những năm trở lại đây, lá cờ Tổ quốc đã xuất hiện nhiều hơn khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện những chuyến công du nước ngoài. Mỗi lần cờ Tổ quốc được thượng lên tại một quốc gia là thêm một lần hình ảnh Việt Nam lan tỏa đến với bạn bè quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác phát triển của đất nước.
Lá cờ - hồn thiêng sông núi. Những lá cờ đỏ tung bay dưới bầu trời hòa bình, phát triển phồn thịnh hôm nay là niềm tự hào của triệu người dân nước Việt, với ý chí quật cường, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết để giành độc lập, tự chủ. Đứng trước lá cờ đỏ thắm, mỗi người dân Việt Nam càng ý thức trách nhiệm hơn với vận mệnh non sông, đất nước đã có lịch sử 4.000 năm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157070/yeu-la-co-to-quoc