Yêu nhau 5 năm, không phải tôi không muốn cưới, mà là chưa đủ tiền để bắt đầu
Lương 12 triệu đồng, sau 5 năm đi làm, tôi vẫn không dám nói đến chuyện cưới xin. Một ly trà sữa tưởng nhỏ, nhưng lại khiến tôi thấy mình bất lực đến đau lòng.
Chỉ còn 17.000 đồng trong tài khoản
“Chiều tan làm anh qua đón em nhé. Em thèm trà sữa”, tin nhắn của bạn gái khiến tôi thoáng bối rối. Trước khi nhắn lại, tôi mở ứng dụng ngân hàng, tài khoản chỉ còn vỏn vẹn 17.000 đồng.
Tôi cuống cuồng kiểm tra thêm một tài khoản khác, nhưng con số cũng chẳng khá khẩm. Một cốc trà sữa bây giờ khoảng 50.000 đồng, thêm topping có khi lên đến 65.000. Món quà bé nhỏ ấy, vào thời điểm cuối tháng, lại vượt ngoài khả năng chi tiêu của tôi.
Tôi 27 tuổi, làm nhân viên văn phòng với mức lương 12 triệu đồng, yêu bạn gái cùng tuổi từ hồi còn là sinh viên năm cuối. 5 năm đi làm, thu nhập của tôi mỗi năm chỉ tăng thêm 1 triệu – một con số khiến tôi không dám mơ đến chuyện kết hôn, dù người yêu nhiều lần bày tỏ mong muốn.
Khi hôn nhân là bài toán tài chính
Mỗi tháng, sau khi trả tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và những chi phí cố định, tôi chỉ còn dư ra khoảng 4 triệu. Khoản tiền ấy dùng để hẹn hò, mua sắm lặt vặt, còn muốn tiết kiệm thì gần như không thể.
Tôi không phải là người ngại kết hôn, nhưng tôi hiểu rõ cưới xin không chỉ là chuyện yêu đương, mà còn là một gánh nặng tài chính. Tiền làm đám cưới, tiền nhà, tiền sinh con, nuôi con ăn học – tất cả đều là những bài toán mà tôi hiện chưa có lời giải.
Thực tế này không chỉ xảy ra với riêng tôi. Người anh họ 35 tuổi của tôi cũng chưa vợ, dù có việc làm ổn định. Khi hỏi bao giờ tính chuyện lấy vợ, anh chỉ cười: “Lương chỉ đủ sống, lấy vợ rồi sống kiểu gì?”.
Thế hệ trước từng nghĩ chỉ cần yêu là cưới. Nhưng chúng tôi – những người trẻ hôm nay – hiểu rằng không thể đem tình yêu đi chợ hay trả tiền học cho con.

Ảnh minh họa.
Cố gắng nhưng vẫn thấy mình thua cuộc
Tôi từng nghĩ mình lười biếng, nên đã thử nhận thêm việc ngoài giờ. Những tháng ấy, tôi đi làm về, ăn uống qua loa rồi lại ngồi vào máy tính làm đến 1-2 giờ sáng. Sau hai tháng, tôi sút 5kg, mất ngủ kéo dài, hiệu suất công việc chính giảm mạnh, suýt bị sa thải. Số tiền kiếm thêm sau khi trừ chi phí thuốc men, dưỡng sức cũng chẳng còn bao nhiêu.
Lúc ấy tôi nhận ra: tăng thu đã khó, nhưng giữ sức khỏe để tiếp tục đi làm còn quan trọng hơn. Tôi chọn gắn bó với công việc chính và cố gắng nâng cao kỹ năng, mong một ngày có thể nhảy việc và được trả lương xứng đáng hơn.
Tôi không ngại thay đổi. Nhưng thị trường lao động không phải lúc nào cũng rộng mở với người đang tìm đường thoát ra khỏi vùng thu nhập thấp. Những kỹ năng mới cần thời gian và tiền bạc để đầu tư, mà chính tôi cũng đang thiếu cả hai.
Tôi từng ước có thể cầu hôn bạn gái trong một buổi tối lãng mạn, như trên phim. Nhưng thực tế là cuối tháng, tôi còn không đủ tiền mua cho cô ấy một cốc trà sữa.
Bạn gái chưa từng chê trách tôi nghèo, nhưng ánh mắt buồn nhẹ trong lần tôi từ chối đưa cô ấy đi xem phim đã khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Tôi biết cô ấy xứng đáng với một tương lai rõ ràng hơn là những lời hứa "khi nào anh khá sẽ cưới".
Tôi vẫn yêu cô ấy, vẫn muốn cưới, vẫn mong có một gia đình nhỏ. Nhưng mỗi lần nhìn vào tài khoản ngân hàng, tôi lại phải tự hỏi: liệu mình có đủ khả năng để làm chồng, làm cha?
Tôi không biết bao giờ mới đủ tiền để làm đám cưới, hay thậm chí là đủ dư dả để mua một cốc trà sữa cho người yêu mà không cần đắn đo. Nhưng tôi biết rõ một điều: mình không hề lười biếng hay trốn tránh trách nhiệm. Tôi đang nỗ lực từng ngày để giữ tình yêu và gìn giữ lòng tự trọng của một người đàn ông giữa thời buổi vật giá leo thang này.
Có thể hôm nay tôi chưa có gì trong tay, nhưng tôi vẫn bước tiếp chậm, nhưng không dừng lại. Vì tôi tin, chỉ cần không bỏ cuộc, thì một ngày nào đó, tình yêu sẽ không phải đứng sau những con số trong tài khoản.