'Trạm yêu thương' và hành trình vượt lên nghịch cảnh để lan tỏa những giá trị sống tích cực
Lên sóng vào khung giờ quen thuộc 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 5/7 trên kênh VTV1, chương trình 'Trạm yêu thương' tuần này với chủ đề 'Tủ sách của tình thân' sẽ mang đến hành trình cảm động của Quách Văn Sơn - chàng trai người Mường sinh năm 1988 đã vượt qua nghịch cảnh để sống tử tế, sống có ích cho đời.

Chương trình kể về hành trình đầy nghị lực của Quách Văn Sơn khi đã vượt qua nghịch cảnh để sống tử tế, sống có ích cho đời.
Quách Văn Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối. Trong một lần đến nhà bạn vay tiền trang trải viện phí, Sơn không may gặp tai nạn. Khi được mọi người đưa đi viện cấp cứu, toàn thân anh đã bất động.
“Lúc đó dù không thể cử động nhưng đầu óc mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Mấy ngày sau mình liên tục mơ về mẹ nhưng khi muốn điện thoại nói chuyện với mẹ thì mọi người cứ lấy cớ lảng tránh. Linh tính có điều không lành, mình ép mọi người phải nói thật thì nhận được câu trả lời mẹ đã mất rồi. Mình đã bị sốc và bệnh tình chuyển biến nặng”, Quách Văn Sơn chia sẻ.
Từ một thanh niên khỏe mạnh, Sơn chỉ còn 4% hy vọng sống sót sau tai nạn, liệt tứ chi và gần như mất hoàn toàn khả năng vận động. Đã bao lần anh nung nấu ý định muốn kết thúc tất cả để không trở thành gánh nặng của người thân. Sự ra đi của người bố sau đó càng khiến cuộc đời Sơn trở nên tăm tối.

Chính tình thương và sự hy sinh của người cô ruột – Quách Thị Nưng đã giúp Quách Văn Sơn vực dậy trong lúc tuyệt vọng nhất.
Nhưng trong những giây phút tuyệt vọng nhất, tình thương và sự hy sinh của cô ruột – Quách Thị Nưng, người đã dang tay chăm sóc Sơn suốt hơn 10 năm qua – đã giúp anh vực dậy. Sự xuất hiện của cô Quách Thị Nưng tại trường quay của “Trạm yêu thương” đã mở ra câu chuyện cảm động về hành trình vượt qua nghịch cảnh của chàng trai người Mường.
Quách Văn Sơn đã chọn một cách sống đầy nghị lực. Từ giường bệnh, Sơn tự thiết kế máy tời điện, máy phục hồi chức năng cho người liệt tứ chi, mở tiệm tạp hóa nhỏ để tự chủ tài chính và đặc biệt, thành lập một tại nhà.
Không phải người mê sách từ nhỏ nhưng Sơn tìm đến sách như một nơi trú ngụ cho tâm hồn, để quên đi nỗi đau thể xác. Từ đó, anh dựng nên một tủ sách cộng đồng ngay tại nhà – nơi ai cũng có thể đến đọc, mượn, sẻ chia tri thức và yêu thương. Tủ sách ấy không chỉ chở che chính Sơn, mà còn trở thành điểm đến ấm áp của người dân địa phương.

Quách Văn Sơn đã chọn một cách sống đầy nghị lực để lan tỏa những năng lượng tích cực tới cộng đồng.
Năm 2024, Quách Văn Sơn xuất bản cuốn tự truyện “Trở về để tái sinh”. Cuốn sách đã lan tỏa những tới cộng đồng những người khuyết tật. Nhiều độc giả sau khi đọc sách đã gửi tới anh những lời tri ân sâu sắc. Đọc sách của anh, họ không chỉ thấy đồng cảm, thấu hiểu, mà còn được tiếp thêm nghị lực để sống một cuộc đời ý nghĩa.
Trong tương lai, Sơn mong muốn tủ sách của mình sẽ có nhiều đầu sách hơn nữa, giúp các em nhỏ nơi miền quê nghèo có cơ hội tiếp cận sách nhiều hơn. Và món quà của “Trạm yêu thương” sẽ tiếp thêm sức mạnh cho anh trên hành trình đầy nhân văn này.
Trạm yêu thương với chủ đề “Tủ sách của tình thân” là hành trình đi từ những nỗi đau tưởng như không thể vượt qua, đến một cuộc sống được xây dựng bằng tri thức, lòng biết ơn và ý chí bền bỉ. Câu chuyện của Quách Văn Sơn là minh chứng sống động cho sức mạnh của tình thân, của ý chí con người và khát khao sống một cuộc đời có ý nghĩa.