Yêu như ngày đầu
Cha mẹ tôi biết nhau là do mối mai. Thực ra trong âm thầm ông đã để ý bà nhưng ở cái thời 'áo mặc sao qua khỏi đầu' thì chuyện trai gái quen nhau không bao giờ vượt qua vòng khuôn phép.
Nhà ông bà ngoại cách nhà tôi chừng 20 cây số. Vào những năm 90 phương tiện còn thô sơ, xứ sông nước như quê tôi người ta chủ yếu đi lại bằng ghe, xuồng. Nhà nào khá giả thì được cái máy chạy lịch xịch có tên là “cô-le”. Nhà nội khi đó còn khó khăn nên chỉ có bộ chèo gắn trên chiếc tam bản.
Để ý thương con gái nhà người ta, cha tôi liều gan nửa ngày chèo xuồng ra rủ mẹ tôi đi coi gánh hát. Lúc đó có nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương về thị xã vùng sâu nên cha xin nội bán một giạ lúa để có “vốn” đi kiếm dâu về cho nội nhờ. Ra tới nhà nàng cha chỉ dám thập thò bên nhà máy xay xát lúa gạo là hàng xóm của ngoại tôi. Ông ngoại vốn là người nghiêm khắc, cấm tiệt chuyện lén lút gái trai nên dù rất muốn xem cải lương tại rạp ra sao nhưng mẹ tôi cũng phải đành chịu phép. Ông ngoại nói con gái chưa gả đi thì không bao giờ được phép bước xa hơn xó bếp cửa buồng.
Vậy là tiu nghỉu, ngay trong đêm cha tôi chèo xuồng về. Không bỏ cuộc vì đã trót thương con gái nhà người ta nên vạn sự cha tôi bắt đầu dò la từ bác hàng xóm. Biết ông ngoại ghiền uống rượu, ngày nào cũng phải lót dạ từ nửa xị, bữa đó ra nhà chơi cha đem rượu nhàu thơm phức còn có công dụng trị đau nhức xương khớp cùng bầy khô cá sặc nhà làm. Làm gan kết bạn với phụ huynh mà cha tôi được ông ngoại gả con gái. Sau này mỗi lần nhắc lại chiến tích cưới được mẹ, cha tôi đều tủm tỉm cười.
Tưởng có máu công tử ăn chơi, nhưng cha là người thương mẹ hết lòng. Nếu ngày trước thường lêu lổng, bạn bè tụ tập thì từ ngày cưới mẹ về cha biết chí thú làm ăn, siêng năng thức khuya dậy sớm. Ngày mùa thì canh tác miếng ruộng sau hè, lúc nông nhàn thì cất vó, đặt lờ, cắm câu. Có khi đào đất đắp bờ, nuôi bò, cắt cỏ.
Nhưng cuộc sống không bao giờ chỉ là những ngày vui mà còn có những hồi khó khăn, vất vả. Đó là những lúc cha mẹ già ốm đau, mấy đứa con nhỏ bệnh dặt dẹo ngày qua ngày. Cũng có lúc lâm vào túng quẫn, nợ nần, gạo thóc phải chạy từng lon. Nhưng vì thương, cha mẹ đã dìu dắt nhau vượt qua hết những ngày tăm tối.
Mẹ nói: Hồi mới tao đâu có thương gì cha tụi bây. Ổng vừa xấu vừa ốm nhách, cao nhòng nhưng được cái chịu khó. Đàn ông thanh niên mà kiên nhẫn chèo ghe hai chục cây số để tới lui thăm, tìm hiểu, lấy lòng nhà vợ dù không biết có được người ta gả con gái cho không thử hỏi được mấy người. Mà năm dài tháng rộng, khi tình yêu, sự nhiệt tình, nhường nhịn lẫn chiều chuộng của cha dành cho mẹ vẫn bền bỉ như ngày đầu thì mẹ biết mình không bao giờ phải lăn tăn gì về người bạn đời của mình nữa. Còn vất vả, khó khăn vốn dĩ là một phần của đời sống này.
Bây giờ dù đã ngoài 60 nhưng cha mẹ vẫn hằng ngày giữ thói quen tương kính, nhường nhịn nhau. Không bắt đầu bằng tình yêu xuất phát từ cả hai phía ngay từ đầu nhưng lại trọn một đời thương, trọn một đời chỉ có nhau là người duy nhất. Thi thoảng có dịp về nhà ngồi lại với nhau là mấy chị em chúng tôi lại thèm ước cuộc đời này mình sẽ có một tình yêu đơn giản mà bền chặt như mẹ và cha.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/152290/yeu-nhu-ngay-dau