Yêu thương con trẻ

Trẻ em như những mầm xanh - niềm hạnh phúc của gia đình, là thế hệ tương lai của đất nước. Quan tâm, yêu thương, chăm sóc, dành những điều tốt đẹp cho con trẻ không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ - đấng sinh thành mà còn là của cả xã hội.

Trẻ em là tương lai của đất nước.

Trẻ em là tương lai của đất nước.

1. Ngày 29/5/2024 - trước thềm Ngày Quốc tế Thiếu nhi, một vụ việc thật buồn và đau lòng đã xảy ra. Bé trai 5 tuổi ở Thái Bình đã tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón suốt 11 tiếng. Chỉ vì sự tắc trách của người lớn đã khiến em ra đi mãi mãi. Sự ra đi của em khiến dư luận phẫn nộ và cơ quan chức năng đã vào cuộc, những người có liên quan đến sự ra đi đau đớn của em đã bị khởi tố. Tuy nhiên, có lẽ chẳng gì có thể bù đắp cho nỗi đau quá lớn của gia đình em. Còn gì xót xa và ám ảnh đấng sinh thành hơn khi sáng sớm còn đưa con lên xe để con đến trường, chiều tối đã nhận thông tin con tử vong - một sự ra đi đầy tức tưởi.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Trước đó, năm 2019, một bé trai 6 tuổi học ở một trường phổ thông liên cấp quốc tế tại Hà Nội cũng tử vong do bị bỏ quên trên xe.

Năm 2020, cũng trên địa bàn TP Hà Nội, một học sinh lớp 3 cũng bị “bỏ sót” trên xe do bé ngủ quên. Thật may sau đó, bé tỉnh dậy và xe không khóa nên em đã tự mở - thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Dẫn lại các vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón đến trường để thấy rằng - trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người lớn. Trong đó, có một nguyên tắc bắt buộc là phải kiểm tra xe đưa đón sau khi học sinh xuống xe thì lại bị... bỏ qua. Tất cả những vụ việc đau lòng cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ đều xuất phát từ sự tắc trách của người lớn.

Và không chỉ có tài xế xe, ngay cả người đưa đón, cô giáo lớp học cũng không thoát khỏi trách nhiệm.

Lại nghĩ, chúng ta thường nói nhiều về sự yêu thương, quan tâm, trách nhiệm với con trẻ, với học sinh thân yêu. Nhưng tại sao, trước sự vắng mặt của một đứa trẻ trong lớp học lại không khiến ai đó có trách nhiệm mảy may giật mình? Để rồi, chỉ đến khi sự việc đau lòng xảy ra, những người có trách nhiệm mới bàng hoàng và day dứt nhận ra sự tắc trách của mình thì mọi chuyện đã quá muộn...

Chỉ mong rằng, sau những vụ việc đau lòng đã xảy ra sẽ là sự cảnh tỉnh để không có thêm những em nhỏ nào bị người lớn bỏ quên trên xe nữa. Sinh mệnh trân quý vô cùng. Đừng chỉ vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người lớn mà nỡ để tử thần “cướp” đi sinh mệnh - cuộc đời của một đứa trẻ.

2. Cũng trong những ngày cuối tháng 5 - bước vào kỳ nghỉ hè của học sinh, một câu chuyện không vui lan truyền mạng xã hội và một số tờ báo, đại ý: Một học sinh lớp 1 (ở Hải Dương) không được ăn liên hoan cuối năm do mẹ không đóng quỹ hội cha mẹ học sinh. Sự việc bắt đầu từ một bài “đăng” của chính phụ huynh em học sinh ấy trên mạng xã hội. Đã có những tranh luận, những ý kiến, quan điểm trái ngược nhau xung quanh sự việc. Người cho rằng mẹ em bé làm đúng, cô giáo, nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh sai. Và ngược lại. Dĩ nhiên, mỗi “phe” đều đưa ra những “chứng cứ” để bảo vệ cho quan điểm của mình, dù là trên mạng xã hội hay các bài viết trên báo.

Dường như, chúng ta đang nỗ lực bảo vệ quan điểm của mình, chỉ vì sự đúng - sai theo cách nghĩ của người lớn. Trong khi đó, xúc cảm của chính em học sinh ấy như thế nào thì dường như ít người quan tâm. Đặt mình vào vị trí của em nhỏ - nếu quả thực có không được ăn trong buổi liên hoan cuối năm ấy, tôi cũng rất buồn, có chút tủi thân. Nhưng trẻ con vốn ngây thơ trong sáng, chúng chóng quên lắm. Có thể đến thời điểm hiện tại, nhắc đến sự việc ngày hôm đó, biết đâu em đã chẳng còn nhớ gì. Nhưng rồi, khi vụ việc trở nên “ầm ĩ” trên mạng xã hội và cả mặt báo, thì biết đâu, mươi năm nữa, khi đứa trẻ ấy lớn, có ai đó nhắc đến, kèm theo những bài viết về sự việc và những vấn đề liên quan đến đứa trẻ, thì tôi không rõ, khi đó em ấy sẽ vui hay buồn?!

Cha mẹ - người lớn yêu thương con mình là điều dĩ nhiên. Nhưng rồi, trong cuộc sống, có những chuyện, hãy cũng vì tình yêu thương con trẻ - mà người lớn, nên chăng có thể lựa chọn những cách hành xử chừng mực. Đừng vì sự đúng - sai theo cách nghĩ của người lớn, mà vô tình có thể khiến con trẻ bị tổn thương.

Người lớn, hãy yêu thương, quan tâm và dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Người lớn, hãy yêu thương, quan tâm và dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Chỉ hy vọng, sự việc sẽ là “bài học kinh nghiệm” cho người lớn. Là nhà trường, cô giáo, phụ huynh và cả mỗi người chúng ta. Dù rằng, sau tất cả sẽ chẳng có phe nào hoàn toàn đúng hoặc sai. Ngẫm lại, trong cuộc sống, có những sự việc xảy ra, người trong cuộc ứng xử với nhau, không phải bởi sự đúng – sai theo lý, mà bởi sự “hợp tình”.

3.Có câu nói: “Con cái là tài sản quý giá của cha mẹ”. Lại cũng có những ý kiến cho rằng, cha mẹ đừng xem con cái là tài sản, là vật sở hữu... Dĩ nhiên, mỗi quan điểm đều được “bảo vệ” bằng những lập luận riêng. Xin không luận bàn.

Nhưng, nếu việc cha mẹ có xem con cái là “tài sản”, thiết nghĩ cũng đâu có sai! Quan trọng là chúng ta ứng xử với “tài sản” đặc biệt ấy như thế nào.

Người trưởng thành, bắt đầu từ việc kết hôn, lập gia đình. Mấy ai không muốn từ tình yêu vợ chồng dành cho nhau sẽ sinh ra những đứa trẻ đáng yêu. Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, đẻ đau, với tất cả tình yêu của cha mẹ, đứa trẻ cuối cùng cũng chào đời trong niềm hân hoan, ngập tràn hạnh phúc. Từ đó, sự yêu thương cha mẹ dành cho con vô bờ bến, dù gia cảnh khá giả hay nghèo khó.

Thật khó để đong đếm, “định giá” hết những hy sinh cha mẹ dành cho các con. Những “hy sinh” ấy hoàn toàn không phải là sự “đầu tư” để mong sinh lời. Đơn giản, cha mẹ yêu thương con cái vô điều kiện, muốn dành những sự tốt đẹp nhất mình có và hy vọng con lớn lên thành người, có một tương lai tươi sáng, cuộc đời tốt đẹp. Thậm chí, cha mẹ có thể sẵn sàng từ bỏ, đánh đổi tất cả những tài sản, tiền bạc khác, chỉ vì con.

Tôi nhớ đến chuyện của gia đình hàng xóm. Cô con gái nhà anh chị mới 2 tuổi thì phát hiện bị ung thư máu, bác sĩ thông báo bệnh không thể cứu chữa, nếu điều trị tích cực thì hy vọng có thể kéo dài sự sống, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Từ ngày con bị bệnh, những tài sản trong gia đình anh chị lần lượt ra đi, rồi những khoản vay anh em họ hàng, bạn bè cũng dần nhiều lên. Nhưng rồi, sau 4 năm chống chọi với đau đớn bệnh tật, cô bé ra đi. Sau một thời gian, ngồi tâm sự, chị nói: “Chị biết là sẽ như vậy, sẽ không thể có phép màu xảy ra. Nhưng bây giờ có lựa chọn lại, anh chị vẫn sẽ làm như vậy. Không có thứ tài sản nào quý giá hơn con”.

Sinh thời, khi nhắc đến trẻ em, Bác Hồ kính yêu đã viết những vần thơ chan chứa yêu thương và hy vọng: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Mới đây, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thăm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, đã nhấn mạnh "trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài... Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước..." (theo Báo Nhân Dân). Người lớn, hãy yêu thương con trẻ, bằng tình yêu, sự quan tâm, bao dung và dành cho con trẻ những điều tốt đẹp - dù là bình dị nhất.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/yeu-thuong-con-tre-31325.htm