Yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp

Trong bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố quan trọng, đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp về lâu dài, đồng thời, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị cho nhà đầu tư và cộng đồng.

Định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp

Bối cảnh mới với nhiều biến động, nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ đang đặt ra những yêu cầu mới trong định nghĩa về sự thành công của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), kinh doanh ngày nay nếu chỉ vì lợi nhuận, mà bỏ qua những giá trị xã hội, bỏ qua những đóng góp với môi trường, đã không còn được xem là thành công.

“Có thể nói, kinh doanh vì lợi nhuận đã không còn là sự lựa chọn tối ưu. Thành công của doanh nghiệp không chỉ đo lường bằng những con số tài chính, mà còn ở những giá trị mới – là niềm tin mới mà doanh nghiệp tạo ra cho đối tác”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo đó, niềm tin với một doanh nghiệp được tạo ra từ cách doanh nghiệp ấy đối xử như thế nào với người lao động và với thiên nhiên.

Điều này cũng buộc các nhà lãnh đạo phải có một tư duy lãnh đạo mới, phải đặt con người vào trung tâm, phải quản trị phát triển bền vững vị tự nhiên, thay vì chỉ nhìn vào những chỉ tiêu, những con số máy móc, ông Vinh nhận định tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững (VCSF) 2023 mới đây.

Theo ông Phạm Quang Vinh, kinh doanh vì lợi nhuận đã không còn là sự lựa chọn tối ưu.

Theo ông Phạm Quang Vinh, kinh doanh vì lợi nhuận đã không còn là sự lựa chọn tối ưu.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ tịch VCBSD, cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp chú trọng vào tổng lợi nhuận cổ đông (total shareholder return - TSR).

Tuy nhiên, để phát triển bền vững và lâu dài, doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra giá trị cho cổ đông, mà còn cần tạo ra tác động cho xã hội (total societal impact - TSI).

Hiện nay, các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, hay biến đổi khí hậu.

Ông Binu Jacob cho biết thêm, là một trong những doanh nghiệp đi đầu về phát triển bền vững, đối với Nestlé, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực của tập đoàn hàng đầu về thực phẩm này.

Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, cũng như nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Vinh nhấn mạnh, chuyển đổi tư duy kinh doanh một cách có hệ thống, hướng tới phát triển bền vững, là điều đầu tiên các doanh nghiệp cần làm, nếu muốn hội nhập và nắm bắt cơ hội kinh doanh trong tương lai.

Khi đã chuyển đổi về tư duy, doanh nghiệp cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, như chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp, và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh).

Vị chủ tịch VBCSD cũng lưu ý rằng, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải trình và làm tốt hơn các vấn đề phát triển vao trùm, như giảm rác thải, sử dụng lao động, hay bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh và cơ hội cho những nhà tiên phong

Ông Vũ Chí Công, Trưởng bộ phận ESG của Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, không chỉ doanh nghiệp lớn, mà ngay cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần quan tâm đến phát triển bền vững.

Ông cho biết, hiện nguồn vốn xanh đang khá dư dả, nhưng các ngân hàng, quỹ đầu tư không có cơ hội để đầu tư. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này, tính sẵn sàng và thông tin dữ liệu là điều quan trọng nhất.

Do vậy, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, xác định mục tiêu xã hội nào là trọng yếu, đánh giá tác động tích cực lẫn tiêu cực, từ đó đặt ra lộ trình thực hiện cụ thể.

“Thách thức lớn là nhân lực chuyển đổi xanh yếu và thiếu. Chính vì vậy, Chính phủ và các cơ sở đào tạo phải quan tâm đào đạo đội ngũ nguồn nhân lực này”, ông Công nhận định.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trên cuộc đua hướng tới tương lai xanh rộng mở, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là cơ hội theo mệnh lệnh của thị trường, với sự đồng hành của Chính phủ và đổi mới của các tổ chức tài chính.

Theo đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng cơ hội đi đầu trong các ngành sản xuất xanh, nhất là trong triển khai những dự án, chính sách thí điểm.

Bên cạnh đó, để đạt được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động R&D, nhân lực, quản trị thông minh trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Việc phát triển sản xuất, duy trì việc làm, cải thiện điều kiện lao động, thu nhập, tăng cường phúc lợi và bảo đảm an sinh cho người lao động của mỗi doanh nghiệp cũng là những biện pháp rất có ý nghĩa đối với phát triển bền vững, bao trùm, ông Hà khẳng định.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/yeu-to-tao-nen-loi-the-canh-tranh-lau-dai-cua-doanh-nghiep-1692870825732.htm